Tăng số giờ làm thêm

Theo đó, đề xuất được xây dựng theo hướng nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại Bộ luật Lao động, khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ giới hạn 40 giờ lên 72 giờ.

Trong đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu rõ hướng quy định tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn ở nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Bộ luật Lao động.

Về thời gian áp dụng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thời gian áp dụng chính sách từ khi nghị quyết có hiệu lực đến thời điểm Nghị quyết số 30 (ngày 28 tháng 7 năm 2021) của Quốc hội về các biện pháp đặc biệt để chống dịch Covid-19 hết hiệu lực thi hành.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, về đánh giá tác động thủ tục hành chính, nghị quyết không phát sinh thêm thủ tục hành chính mới so với quy định pháp luật hiện hành. Về báo cáo lồng ghép bình đẳng giới, cơ quan soạn thảo khẳng định sẽ không làm phát sinh thêm bất kỳ nội dung mới nào liên quan đến bình đẳng giới so với quy định hiện hành….

Trong đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến đối tượng áp dụng của quy định này là tất cả người sử dụng lao động và người lao động thuộc đối tượng áp dụng Bộ luật Lao động. Việc nêu đối tượng là người sử dụng lao động được đề xuất mở rộng hơn so với Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm đảm bảo sự công bằng và phục hồi đồng bộ, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, chia sẻ giữa những doanh nghiệp bị hoặc không bị cách ly, phong tỏa.

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đã tuân thủ quy trình xây dựng dự thảo nghị quyết theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đảm bảo các khâu như gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các hội, đoàn thể có liên quan; tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện dự thảo.

Nội dung các quy định đề xuất cũng bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế về lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi nói riêng mà Việt Nam là thành viên.

Hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi

Căn cứ quan trọng để Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ xây dựng đề xuất điều chỉnh số giờ làm thêm trong tháng và trong năm là do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số người lao động có việc làm trong quý 3/2021 đã giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động có việc làm quý 3/2021 là 47,2 triệu người, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu không có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp phục hồi dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế, chính sách tốt hơn. Việc làm thêm giờ như đề xuất sẽ góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như nông sản, thủy sản, hải sản...

Trong bối cảnh đó, để bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch bệnh và tổ chức sản xuất, doanh nghiệp mất nhiều chi phí gia tăng, như xét nghiệm, tổ chức sắp xếp lại lao động, bố trí ăn, ở và phương tiện vận chuyển người lao động theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến".

Nhiều doanh nghiệp do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50%. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, chế biến thủy, hải sản có khi phải giảm lực lượng lao động xuống dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất cho các hợp đồng đã ký kết.

Thực tế này khiến hầu hết doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn trong việc phải tổ chức làm thêm giờ nhiều hơn quy định bình thường.

Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng. Chỉ có một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản ...) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm..

Tuy nhiên, trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch, do thiếu hụt lao động, một bộ phận lao động áp dụng "3 tại chỗ" có nhu cầu làm thêm quá 40 giờ trong một tháng để bù cho lực lượng lao động thiếu hụt.

Bên cạnh đó, khi tổ chức sản xuất trở lại, nhiều doanh nghiệp và người lao động cũng mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc, với nhu cầu làm thêm trên 40 giờ/tháng và từ trên 200 - 300 giờ/năm mà không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc.

Nâng giờ làm thêm theo tháng và tuần với lao động thời vụ

Từ ngày 1/2/2022, Thông tư 18 năm 2021 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng, bắt đầu có hiệu lực.

Một trong những điểm mới của thông tư là việc quy định, ở điều kiện bình thường, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong tuần không quá 72 giờ. Nếu tính theo tháng, tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ. Trong khi đó, quy định hiện hành cho 2 nội dung trên lần lượt là 64 giờ và 32 giờ.

Đối tượng áp dụng quy định là người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12-36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm công việc sau: Sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được; gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu...

Theo https://dantri.com.vn