Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của ngành và triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 14/7 tại Hà Nội. 

Đảm bảo an sinh trong bối cảnh Covid-19

Quan tâm tới đối tượng người có công với cách mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh việc chăm lo nhiều hơn và tổ chức thật tốt dịp kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ: "Năm nay do tình hình dịch bệnh, Trung ương không tổ chức các chương trình, hoạt động quy mô lớn nhưng không vì thế mà chúng ta không quan tâm người có công".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP... - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Hội nghị tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của ngành và triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (Ảnh: Đỗ Linh).

Theo đó, trên cơ sở các chính sách đãi ngộ người có công đã được ban hành trong dịp này, các địa phương phải tổ chức thật tốt để các chính sách này đến được với người có công nhanh, đúng và đầy đủ nhất.

Đối với các đối tượng như người cai nghiện, người già tại các cơ sở bảo trợ và cai nghiện cần có hình thức phù hợp để chăm lo, đảm bảo đời sống, ổn định. Đồng thời đảm bảo xây dựng môi trường tốt, đấu tranh phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, nhất là tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em.

Về giáo dục nghề nghiệp, ngành cần chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động gắn với thị trường lao động. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP... - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá những tác động của Covid-19 với lĩnh vực lao động việc làm là rất lớn (Ảnh: Dũng Mạnh).

"Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp thật tốt với các doanh nghiệp để chỉ đạo xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng. Đây là lần đầu tiên, gói hỗ trợ cho phép sử dụng khoảng 4.500 tỷ đồng để dành cho công tác đào tạo phục hồi giữ chân người lao động hậu Covid-19. Đây là thời cơ vàng với doanh nghiệp khi được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo cho người lao động" - Bộ trưởng lưu ý.

Về công tác giảm nghèo, Bộ trưởng giao cho Văn phòng quốc gia về giảm nghèo trong tuần này cần tham mưu đề xuất mức chuẩn nghèo mới cho giai đoạn tới. Qua đó nhằm phục vụ cho các cuộc họp tới đây của Quốc hội bàn về giảm nghèo với các nội dung như: Chuẩn nghèo, tiêu chí, cách thức phân loại, đánh giá…

Lo lắng hệ lụy tới người lao động

Chia sẻ những lo lắng về tác động của Covid-19 với tình hình lao động việc làm, Bộ trưởng lưu ý: "Thời gian vừa qua, cả nước có hơn 70.000 doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp có quy mô, nguồn vốn lớn. Dịch cũng tác động đến 9,1 triệu người lao động, 540.000 người mất việc, hàng triệu người giãn việc, ngưng việc. Hàng triệu người tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh".

Đặc biệt, khoảng 3,1 triệu người phải giảm, giãn việc luân phiên do tác động dịch Covid-19. Khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng trầm trọng, hơn 40.000 người lao động xong thủ tục rồi nhưng không thể xuất cảnh.

"Nếu đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân. Việc hỗ trợ không chỉ là trách nhiệm mà bằng cả tấm lòng. Nếu để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội. Với tinh thần đó, việc triển khai đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn, bằng cả hành động, cả trái tim, tấm lòng với người nghèo, người khó khăn…" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng cho biết: "Những địa bàn chưa bị ảnh hưởng dịch phải tập trung củng cố thị trường lao động. Những đơn vị đang bị ảnh hưởng thì có kế hoạch sau dịch thì phục hồi, sau dịch này, phải "biến nguy thành cơ", phải đào tạo nguồn nhân lực…".

Về mục tiêu kép, Bộ trưởng kiên định thực hiện theo đúng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Đồng thời cần nhận thức việc triển khai theo hướng linh động hơn.

"Đó là tiến hành đồng thời song song cả phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch ở những nơi mà dịch chưa tấn công. Còn nơi dịch đang tấn công thì ưu tiên phòng, chống dịch. Nơi chưa có dịch thì tập trung vào phát triển kinh tế" - Bộ trưởng cho biết.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng lưu ý việc thực hiện NQ 68/NQ-CP và QĐ 23/2021/QĐ-CP phải lấy an toàn cho người dân là trước hết, không được để ai bị đói, bị thiếu cơm, thiếu mặc. Tinh thần là đảm bảo cuộc sống, nhất là quan tâm người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Bộ trưởng toàn quốc đề nghị rất khẩn trương. Với các đơn vị có kế hoạch triển khai và Nghị quyết của UBND tỉnh rồi thì tập trung triển khai hỗ trợ ngay. Địa phương chưa tiến hành thì phải khẩn trương trong tuần và không chậm trễ nữa.

Lo lắng trước tình hình tác động của Covid-19 ở các khu công nghiệp, Bộ trưởng lưu ý đây là các "pháo đài" và cần bằng mọi giá phải bảo vệ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP... - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Hội nghị có sự tham gia của nhiều điểm cầu (Ảnh: Đỗ Linh).

"Vì đây là khu vực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế. Nếu để ảnh hưởng lớn tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. HCM, Đồng Nai, tình hình sẽ vô cùng khó khăn. Bởi chúng ta chưa có kinh nghiệm, tiền lệ về vấn đề này" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị thực hiện nguyên tắc: "Chỉ khi nào thực sự an toàn thì mới sản xuất kinh doanh. Nếu không an toàn và dự báo không an toàn thì dừng hoạt động, thực hiện phương châm 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ theo phương án giãn cách, có phương án an toàn cả trong khu vực sản xuất kinh doanh, an toàn ở địa bàn dân cư".

Đánh giá về cách làm của TPHCM trong việc chi trả gói hỗ trợ 886 tỷ đồng, Bộ trưởng cho rằng cách làm này hiệu quả và nhanh, đặc biệt là việc hỗ trợ người lao động tự do.

"Người lao động tự do không có một thủ tục nào cả, thậm chí là phường, tổ dân phố đến tận nơi lập danh sách đưa giấy tạm trú là lĩnh tiền, thậm chí là chuyển tiền qua mạng, không cần thủ tục. Nhưng vẫn đảm bảo hậu kiểm", Bộ trưởng cho biết.

Về công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục rà soát kiểm tra xem lại các vấn đề quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam. Đảm bảo người lao động người ngoài nhập cảnh vào làm việc doanh nghiệp phải là các chuyên gia những lao động kỹ thuật mà Việt Nam chưa đảm đương được hoặc chưa có tránh tình trạng lách luật đưa ào ào vào.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị tổ chức Công đoàn tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện các chính sách, đặc biệt là việc vay vốn vay trả lương cho người lao động. Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Ngân hàng CSXH, Bộ Tài Chính, BHXH Việt Nam chủ động phối hợp với các ngành, với ngành lao động và chủ động tham mưu đề xuất với Chủ tịch UBND các tỉnh triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động...

Theo Hoàng Mạnh
Báo Dân Trí