Ngày 6-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã ký ban hành hành văn bản về việc người lao động (NLĐ) tham gia lưu thông từ nơi cư trú đến nơi làm việc trên địa bàn tỉnh.

Đơn giản hóa thủ tục

Theo đó, Đồng Nai bỏ nội dung cấp giấy xác nhận NLĐ di chuyển hằng ngày từ nơi cư trú đến nơi làm việc của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn được quy định tại các văn bản trước đây của UBND tỉnh.  NLĐ khi di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc phải đeo thẻ nhân viên. Nếu được người sử dụng lao động trang bị đồng phục thì NLĐ buộc phải mặc để nhận diện khi lưu thông và khi qua các chốt kiểm soát. Đồng thời, NLĐ đang sử dụng điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng PC-Covid để sử dụng mã QR và thể hiện lịch sử tiêm chủng. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vắc – xin ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm) hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng khi các cơ quan chức năng yêu cầu.

Doanh nghiệp và người lao động thở phào - Ảnh 1.

Từ ngày 6-10, tỉnh Đồng Nai bỏ giấy đi đường đối với người lao động từ nơi cư trú đến doanh nghiệp

UBND tỉnh Đồng Nai giao Công an tỉnh và UBND các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng, các chốt kiểm soát tạo điều kiện hỗ trợ cho DN, NLĐ tham gia lưu thông từ nơi cư trú đến nơi làm việc được thuận lợi, an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo đảm quản lý chặt chẽ "vùng đỏ", giữ vững an toàn và mở rộng các "vùng xanh" tại địa phương. UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý các KCN tỉnh (đối với DN trong KCN), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với các ngành liên quan, UBND cấp huyện thông báo đến các DN biết nội dung trên để triển khai thực hiện; đồng thời theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của DN, chủ động xử lý các tình huống trong thẩm quyền cho phép. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo, tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Trước đó, tại cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn tỉnh khi khôi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Sở LĐ-TB-XH xây dựng bộ tiêu chí để DN tự đánh giá phương án sản xuất. DN sẽ lập kế hoạch để chủ động sản xuất an toàn, Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ thông qua việc tiêm vaccine. Sở LĐ-TBXH sẽ chịu trách nhiệm cấp phép hoạt động trở lại cho DN ngoài KCN có trên 100 lao động. Các địa phương sẽ cấp phép cho DN dưới 100 lao động. Ban Quản lý các KCN cấp phép đối với tất cả các DN trong KCN.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn

 
 

Ông Lê Nhật Trường, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) cho biết, DN rất đồng tình với quyết định bỏ giấy đi đường đối với NLĐ của UBND tỉnh Đồng Nai. Những ngày qua, bản thân ông Trường phải trực tiếp đi đến 75 xã trên các địa bàn huyện, thành phố có NLĐ của công ty để xin giấy đi đường cho NLD0 rất vất vả. Khi có văn bản chính thức của UBND tỉnh, công ty đã thông báo cho NLĐ khi đi làm nhớ mang theo điện thoại thông minh, đeo thẻ nhân viên để đi qua chốt kiểm soát.

Cán bộ nhân sự ở một DN "3 tại chỗ" khác hoan nghênh sự cầu thị của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai khi bãi bỏ giấy đi đường đối với NLĐ khi đi từ nhà đến nơi sản xuất. Vì những ngày qua, bản thân chị và nhiều cán bộ nhân sự khác rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi phải làm vài ngàn giấy đi đường để giao cho hàng ngàn NLĐ ở vài chục xã, phường khác nhau. NLĐ sau đó lại phải rồng rắn lên xã, phường để ký giấy đi đường, tốn rất nhiều thời gian và công sức của cả DN và NLĐ. Theo ghi nhận đến sáng ngày 7-10, đã có thêm nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sản xuất, kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, số lượng NLĐ được quay trở lại sản xuất chưa nhiều do quy định chỉ lao động đang ở "vùng xanh", đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc -xin từ 14 ngày trở lên hoặc bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi dưới 6 tháng mới được đến DN để làm việc. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN chưa thể hoạt động trở lại do vướng một số quy định. 

Doanh nghiệp và người lao động thở phào - Ảnh 2.

Người lao động tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 trước khi vào làm việc trong ngày đầu tiên trở lại

Đại diện 1 công ty đóng tại KCN Biên Hòa 2 cho hay, công ty có hơn 1.300 lao động, trong đó hơn 1.200 người đã tiêm 1 liều vaccine phòng Covid-19, chiếm 96,5%. Hiện, công ty đang thực hiện phương án 3 tại chỗ với 122 NLĐ. Để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mới đây, công ty có văn bản đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho phép công ty vừa thực hiện phương án "3 tại chỗ", vừa thực hiện phương án cho 20% NLĐ của công ty (282 người ở vùng xanh, đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc –xin sau 14 ngày) được đi về hàng ngày bằng phương tiện cá nhân từ ngày 7-10, có quy định cụ thể các yêu cầu đối với NLĐ để đảm bảo công tác phòng dịch. Tuy nhiên đề xuất này không được chấp thuận do chưa phù hợp với quy định tại văn bản số 11715/UBND-KGVX hướng dẫn tạm thời thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 25-9. Nội dung văn bản này quy định, tỉ lệ NLĐ đi về là: 7 ngày đầu tiên tổ chức cho không quá 20% tổng số lao động đang thực hiện phương án "3 tại chỗ của DN đi về hàng ngày, sau đó cứ mỗi 7 ngày tăng thêm không quá 20% cho đến khi hết số lượng lao động đang thực hiện phương án 3 tại chỗ của DN.

"Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn và cho phép các DN hoạt động trở lại bình thường với các yêu cầu phù hợp hơn. Có như vậy, DN mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đặc biệt là thời điểm cuối năm khi các đơn hàng nhiều" – cán bộ nhân sự một DN thực hiện phương án "3 tại chỗ" kiến nghị.
 
Theo https://nld.com.vn