Một đồng hỗ trợ với người lao động khi khó khăn rất ý nghĩa

Chị Nguyễn Thị Mơ (32 tuổi, trú ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) là một trong những lao động sớm được thụ hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Gói 26.000 tỷ đồng: Nhờ có tiền hỗ trợ mà đóng được học phí cho con - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Công ty tạm ngừng kinh doanh, chị Mơ phải nghỉ việc 2 tháng nay (Ảnh: NVCC).

Chị Mơ làm việc tại Công ty CP khách sạn du lịch Công đoàn Quảng Trị. Chị được thụ hưởng chính sách dành cho nhóm đối tượng tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với mức hỗ trợ 3.710.000 đồng, cùng với 1.000.000 đồng do đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. 

"Nghỉ việc hơn 2 tháng nay nên gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Tuy nhiên, được sự quan tâm từ phía lãnh đạo công ty và sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ nên tôi thấy được động viên, có niềm tin để vượt qua giai đoạn khó khăn này, để ổn định cuộc sống, sớm quay lại làm việc", chị Nguyễn Thị Mơ nói.

Trong thời gian tạm nghỉ việc, chị Mơ cùng một số người vẫn làm các món ăn bán online... để kiếm thêm thu nhập. Nhưng gần đây, dịch bệnh phức tạp khiến nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly, chị Mơ không xoay xở được việc gì khác.

"Gói hỗ trợ đã giúp đỡ thêm phần nào để người lao động vượt qua khó khăn trước mắt. Nhờ số tiền này, tôi có điều kiện để trang trải cuộc sống và đóng tiền học phí cho con trong thời gian nghỉ việc", chị Mơ tâm sự.

Gói 26.000 tỷ đồng: Nhờ có tiền hỗ trợ mà đóng được học phí cho con - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Nhàn (ngoài cùng, bên trái) phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương (Ảnh: NVCC).

Tương tự, chị Lê Thị Mỹ Nhàn (28 tuổi, ở Phường 1, thành phố Đông Hà) cũng phấn khởi khi nhận được hỗ trợ mức 3.710.000 đồng dành cho nhóm đối tượng bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Theo chị Nhàn, trong thời điểm công ty đang gặp khó khăn, nhiều lao động phải nghỉ việc không lương thì gói hỗ trợ của Chính phủ rất kịp thời.

"Khoản hỗ trợ đó, nếu để trang trải cho cuộc sống trong khoảng thời gian 2 tháng nghỉ việc thì có thể không đủ. Nhưng trong lúc không có việc làm và thu nhập thì một đồng hỗ trợ cũng rất ý nghĩa và đáng trân trọng. Nếu mình chi tiêu tiết kiệm thì sẽ phần nào vượt qua khó khăn", chị Nhàn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty CP khách sạn du lịch Công đoàn Quảng Trị, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 tháng qua, việc kinh doanh gặp khó khăn, nhiều lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Công ty có 17 lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương được thụ hưởng chính sách của Nghị quyết 68 (NQ 68), Quyết định 23 (QĐ 23).

Theo ông Thắng, NQ 68 và QĐ 23 là chính sách mang ý nghĩa nhân văn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Về phía người lao động, gói hỗ trợ rất kịp thời, thủ tục đơn giản, có lợi cho người lao động khi họ đang phải nghỉ việc, ngừng việc. Từ đó, chính sách này động viên, giúp người lao động yên tâm hơn để quay trở lại làm việc sau này", ông Thắng chia sẻ.

Hàng trăm lao động được hỗ trợ

Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch Covid-19 xuất hiện khiến hoạt động kinh doanh tại khách sạn Sê Pôn (thuộc Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị) bị ảnh hưởng. Nhiều nhân viên, người lao động của đơn vị này phải giảm giờ làm hoặc nghỉ việc.

Một số lao động ngừng việc được công ty hỗ trợ một phần do việc kinh doanh khó khăn. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh (25 tuổi, trú tại huyện Gio Linh), gần 2 tháng nay do không có việc làm khiến chị phải nghỉ ở nhà nuôi con. Chị Trinh là đối tượng được hỗ trợ lao động ngừng việc với mức 1 triệu đồng.

"Gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người lao động ở thời điểm khó khăn nhất nên rất đáng quý. Dù số tiền hỗ trợ không lớn nhưng cũng phần nào giúp người lao động trang trải khó khăn trong cuộc sống", chị Trinh chia sẻ.

Theo ông Trương Đình Hưng - Giám đốc khách sạn Sê Pôn, thời gian qua, dịch bệnh phức tạp khiến lượng khách đến rất ít, còn khách cố định cũng giảm nhiều. Theo đó, nhà hàng và các dịch vụ khác phải đóng cửa, chỉ duy trì hoạt động lưu trú. Việc kinh doanh gặp khó khăn khiến nhiều cán bộ, nhân viên của đơn vị phải giảm ngày công lao động, một số nghỉ không lương.

"Gói hỗ trợ của Chính phủ góp phần giảm gánh nặng, chia sẻ với doanh nghiệp và người lao động lúc khó khăn", ông Hưng nói.

Bà Võ Thị Thanh Thúy - Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đông Hà cho biết, sau khi UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định phê duyệt, thành phố Đông Hà đã hỗ trợ cho 6 đơn vị, doanh nghiệp thụ hưởng chính sách đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Tổng số lao động làm việc tại 6 đơn vị, doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ là gần 190 người, với số tiền hơn 800 triệu đồng. 

Đối với chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc, thành phố đã lập thủ tục chi hỗ trợ với một doanh nghiệp, 12 lao động, số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng.

 
Theo https://dantri.com.vn