Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Các địa phương đang thần tốc vào cuộc... - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Gói hỗ trợ hướng tới nhiều nhóm đối tượng gặp khó khăn do Covid-19 (Ảnh: Đỗ Linh).

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội: "Thần tốc" xử lý các thủ tục nhằm hỗ trợ đối tượng…

Ngay khi có thông tin về Nghị quyết 68/NQ-CP, Sở đã thành lập đường dây nóng và tổ công tác gồm các lãnh đạo Sở và các trưởng phòng chuyên môn. Tổ công tác cũng liên hệ với các Sở Tư pháp, Sở Tài chính và Ban Văn hóa xã hội của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội để nhận được hướng dẫn.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Các địa phương đang thần tốc vào cuộc... - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Khánh, quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai việc chi hỗ trợ được tổ công tác thực hiện theo quy trình: Xin ý kiến lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và các phòng chuyên môn nghiệp vụ; lấy ý kiến các sở, ngành và UBND quận, huyện; trình UBND thành phố xem xét và thông qua.

"Theo quan điểm "thần tốc", Sở sẽ triển khai rất nhanh gọn các thủ tục để qua đó có thể trình UBND trong thời gian sớm nhất" - ông Nguyễn Quốc Khánh nói.

Trả lời về con số đối tượng nhận hỗ trợ, ông Nguyễn Quốc Khánh cho rằng Nghị quyết 68/NQ-CP đã nêu rõ, thời gian áp dụng đối với nhóm đối tượng nhận hỗ trợ có thể kéo dài tới cuối năm 2021.

"Thực tế đã và vẫn sẽ tiếp tục có thêm nhiều đối tượng trong chính sách phát sinh trong thời gian tới. Điều chúng ta cần quan tâm là xem xét đối tượng theo đúng tiêu chí đề ra để triển khai hỗ trợ kịp thời…" - ông Nguyễn Quốc Khánh nói.

Ông Lê Đình Tùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa: Dự kiến trình UBND tỉnh duyệt vào ngày 14/7.

Trên cơ sở Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và việc giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, Sở đã xin ý kiến các sở, ngành liên quan về dự thảo. Dự kiến ngày 14/7, Sở sẽ trình kế hoạch triển khai thực hiện để UBND tỉnh ban hành.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Các địa phương đang thần tốc vào cuộc... - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Lê Đình Tùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa.

"Việc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo rất quyết liệt. Sở LĐ-TB&XH sẽ cố gắng triển khai nhanh nhất đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH", ông Lê Đình Tùng cho biết.

Cũng theo ông Lê Đình Tùng, đối với lao động tự do, căn cứ theo tinh thần Nghị quyết 68, căn cứ vào tình hình địa phương, sau đó xác định đối tượng được hưởng. Về mức được hưởng thì tỉnh sẽ giao cho Sở LĐ-TB&XH có Tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND để sớm ban hành.

"Về chỉ đạo cho các huyện, trong kế hoạch triển khai cũng đã yêu cầu các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm về thống kê các đối tượng lao động tự do", ông Lê Đình Tùng cho biết thêm.

Bà Đinh Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình: Chú trọng rà soát, phân loại tránh nhầm lẫn, bỏ sót.

Theo đó, Sở đang dự thảo kế hoạch, cũng như phương án phù hợp với tình hình thực tế để có thể triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng từ Chính phủ cho các đơn vị doanh nghiệp và người lao động tại địa phương chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Các địa phương đang thần tốc vào cuộc... - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Lao động thất nghiệp do Covid-19 đăng ký tìm việc ở Quảng Bình.

Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, bước quan trọng nhất vẫn là rà soát, phân loại các nhóm đối tượng được hỗ trợ. Riêng với nhóm lao động tự do, bà Đinh Thị Ngọc Lan thông tin: "Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình cũng sẽ lên kế hoạch phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát đối tượng, số lượng cụ thể để tham mưu UBND tỉnh xem xét".

Ông Võ Văn Tiến - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng): Triển khai sẽ thuận lợi hơn trước.

Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch trình UBND thành phố triển khai các bước cụ thể gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Theo đó, Sở dự thảo giúp cho UBND thành phố ban hành một kế hoạch cụ thể như sẽ hướng dẫn sở nào, ngành nào làm gì; huyện, xã làm cái gì, các đối tượng nộp đơn xét duyệt thế nào; cấp kinh phí về đâu... Trên cơ sở đó mới có thể triển khai được.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Các địa phương đang thần tốc vào cuộc... - 5
 

Nhấn để phóng to ảnh

Covid-19 khiến nhiều hướng dẫn viên thất nghiệp (Ảnh: Khánh Hồng).

Cũng theo ông Võ Văn Tiến, đối tượng của gói hỗ trợ này là những người lao động có hợp đồng lao động và người sử dụng lao động nên việc lập danh sách sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn so với gói hỗ trợ trước.

Các đối tượng không thuộc diện hỗ trợ gói 26.000 của Chính phủ, UBND thành phố đã có gói hỗ trợ gần 100 tỷ đồng với khoảng hơn 90.000 người được hưởng lợi.

Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An: Trên 42.000 lao động được hưởng chính sách.

Tỉnh Long An hiện có khoảng 42.500 đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính Phủ với số tiền trên 70 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 20.000 lao động tự do bị mất việc, ngưng việc. 

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Các địa phương đang thần tốc vào cuộc... - 6
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An

Từ ngày 12/7, Long An đã bắt đầu triển khai đợt 1 hỗ trợ cho nhóm hơn 9.000 lao động tự do với số tiền 6,9 tỷ đồng. Đến nay, hơn 1.500 lao động đã được hưởng hỗ trợ với số tiền 1,1 tỷ đồng. 50 trường hợp F0, F1 cũng đã được hỗ trợ. 

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH Long An, điều kiện để đối tượng lao động tự do được hỗ trợ là ngưng việc, mất việc vì dịch Covid-19 và cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Long An.

Tỉnh cũng xác định lao động tự do, gồm: Người bán vé số, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bảo vệ; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái mô tô, xe xích lô chở khách; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe,…và các công việc thuộc lĩnh vực, ngành nghề phải tạm dừng hoạt động.

Tùy theo điều kiện thực tế, các địa phương sẽ phân chia ra nhiều đợt hỗ trợ. Thời gian trợ cấp, sẽ được tỉnh lấy mốc từ ngày 01/5 đến ngày 31/12. 

Ông Phạm Việt Công - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp: Lập nhóm Zalo để hỗ trợ giải đáp chính sách…

Tới nay, Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp đã ban hành công văn hướng dẫn chi tiết đến các Sở, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Các địa phương đang thần tốc vào cuộc... - 7
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Phạm Việt Công - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, ngành chức năng hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ của 7 nhóm đối tượng, gồm: Người lao động tạm hoãn lao động hoặc nghỉ việc không lương, người lao động ngừng việc, người lao động nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trẻ em và người đang điều trị Covid-9, cách ly y tế (F1), hướng dẫn viên du lịch, viên chức hoạt động nghệ thuật và hộ kinh doanh.

Khi Phòng LĐ-TB&XH tiếp nhận hồ sơ, trong thời gian 2 ngày làm việc phải hoàn thành và chuyển hồ sơ về Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp. Trong 2 ngày làm việc tiếp theo, hồ sơ sẽ được Sở chuyển đến UBND tỉnh để được thẩm định phê duyệt.

Ông Phạm Việt Công cho biết: "Sở đã thành lập nhóm Zalo để cán bộ triển, khi gặp khó khăn gì sẽ được cán bộ Sở LĐ-TB&XH giải đáp ngay, tránh ùn tắc cũng như áp dụng chính sách không thống nhất đến người dân".

Riêng nhóm lao động tự do, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính cân đối đưa ra mức hỗ trợ. Khi được ngành chức năng thống nhất, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai ngay.

Theo Nhóm phóng viên
Báo Dân Trí