Các chỉ tiêu về việc làm trên được Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình đưa ra, phấn đấu thực hiện trong năm 2022 tại hội nghị tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 19.000 lao động - 1

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình là đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua được Chính phủ tặng cờ thi đua (Ảnh: Thái Bá)

Báo cáo tóm tắt kết quả năm 2021 về công tác lao động, người có công và xã hội, ông Nguyễn Hữu Tuyến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình nêu rõ, năm 2021 đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng đã ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân.

Bám sát chỉ đạo điều hành của Bộ LĐ-TB&XH, của tỉnh Ninh Bình, ngành lao động tỉnh Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa khẩn trương thực hiện các giải pháp, chương trình, đề án, chính sách về lao động, giải quyết việc làm, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, nhất là giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.

Phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 19.000 lao động - 2

UBND tỉnh Ninh Bình tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu trong phong trào của ngành lao động năm 2021 (Ảnh: Thái Bá).

Năm 2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình làm tốt công tác tổ chức đón công dân, lao động của tỉnh lưu trú tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 (39 lao động ở Bắc Giang; 634 công dân ở TP HCM; 318 công dân tại Bình Dương; 207 công dân ở Đồng Nai và 12 công dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ông Lê Hữu Tuyến cho biết thêm, Sở cũng đã tập trung triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chính sách này, tỉnh Ninh Bình có 2.579 đơn vị được giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, với 105.877 người lao động, tổng số tiền 14,31 tỷ đồng.

Đối với Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/QĐ-TTg, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 2.474 đơn vị, người sử dụng lao động, cho 103/671 người lao động với số tiền 56,099 tỷ đồng; hỗ trợ bằng tiền cho 120.996 người lao động với số tiền 287,084 tỷ đồng.

Phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 19.000 lao động - 3

Năm 2021, dù dịch Covid-19 hoành hành nhưng tỉnh Ninh Bình đã giải quyết việc làm cho 19.850 lao động, vượt kế hoạch năm (Ảnh: Thái Bá).

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng lao động từ các tỉnh về quê tránh dịch tăng cao, tuy nhiên ngành lao động tỉnh Ninh Bình phối hợp với các ngành chức năng đã giải quyết việc làm được cho 19.850 lao động, đạt 102,3% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động đạt 750 người.

Ông Lâm Xuân Phương - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2021, ngành đã thực hiện hiệu quả công tác lao động, người có công và xã hội. Ngành đã quan tâm chăm sóc đời sống người có công; giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các chính sách về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; công tác trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới được chú trọng.

Phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 19.000 lao động - 4

Năm 2022, tỉnh Ninh Bình phấn đấu giải quyết việc làm cho 19.400 lao động (ảnh: Thái Bá).

"Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở đã tham mưu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó qua đại dịch như: Tổ chức đón công dân người lao động từ vùng dịch về quê tránh dịch; thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ, của tỉnh ban hành để hỗ trợ nhân dân kịp thời, thiết thực, ý nghĩa, tạo được niềm tin sâu rộng trong nhân dân", ông Lâm Xuân Phương nói.

Năm 2022, ngành lao động tỉnh Ninh Bình phấn đấu sẽ tạo việc làm mới cho 19.400 lao động, trong đó xuất khẩu lao động đạt 1.400 người. Tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 28,4% .

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tập trung giải quyết chế độ chính sách và chăm sóc đời sống người có công, duy trì 100% xã , phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; 100 Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến hết đời; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế , giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế;

Phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 19.000 lao động - 5

Chính sách đối với người có công luôn được tỉnh Ninh Bình quan tâm chăm lo đặc biệt trong những năm qua (Ảnh: Thái Bá).

Đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh; phấn đấu trên 7 xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; 95 % người dân được tuyên truyền công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em dưới các hình thức; 100 % cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ các sở, ngành, địa phương được tập huấn về nghiệp vụ; 100 % cán bộ làm công tác phòng, chống TNXH cấp huyện , xã , cán bộ của tổ công tác cai nghiện ma túy được tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn .

Theo https://dantri.com.vn