Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hết 9 tháng năm 2021, có khoảng 1,3 triệu người lao động về quê, phần lớn lao động rời các trung tâm công nghiệp, các tỉnh thành phía Nam vì đại dịch, khó khăn cuộc sống mưu sinh và đặc biệt là để ổn định tâm lý sau nhiều ngày giãn cách.

Sau giãn cách, lao động quay trở lại ở nhiều nơi đạt 90% - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Lao động né dịch về quê sau chuỗi ngày giãn cách vì dịch ở các trung tâm công nghiệp phía Nam

Để giảm bớt khó khăn, tác động của việc dịch chuyển lao động từ thành phố về quê, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ người lao động như Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 126/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP nói trên; Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19; và Nghị quyết 116/NQ-CP tháng 9/2021 về chính sách hỗ trợ, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 về quy định "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"...

Báo cáo mới nhất của các Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, việc lao động rời các trung tâm công nghiệp để về quê né dịch gây khó khăn, đứt gãy chuỗi sản xuất của khá nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu đơn hàng tại chỗ, trả hợp đồng cho đối tác ngày càng lớn dần.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, tính đến ngày 31/10 địa phương này đã triển khai hỗ trợ cho hơn 8,3 triệu đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, số tiền hỗ trợ là 11.500 tỷ đồng.

Dự báo về nhu cầu nhân lực quý IV của năm 2021, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết địa phương này cần khoảng 43.654-56.869 chỗ làm việc, trong đó chủ yếu là ngành nghề như kinh doanh - thương mại (chiếm 23,01%); Dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ (chiếm 11,53%); Công nghệ thông tin (chiếm 7,52%)...

Sau giãn cách, lao động quay trở lại ở nhiều nơi đạt 90% - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận KT-XH (Ảnh: Quốc Chính).

Theo dự báo của TPHCM, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt nhất, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực quý I/2022 sẽ vào khoảng 75.000 chỗ làm việc, nhằm phục vụ cho việc phát triển và mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh.

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 18,27% tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu nhân lực 09 ngành kinh tế - dịch vụ chiếm 56,71% tổng nhu cầu nhân lực.

Trong trường hợp tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực quý I năm 2022 cần khoảng 60.000 chỗ làm việc.

Theo Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng lao động của địa phương này trong quý IV năm 2021 là hơn 30.000 lao động, năm 2022 có thể lên đến hơn 70.000 người.

Mới đây, phát biểu tại Quốc hội, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nhưng điều đáng mừng, hơn một tháng cả nước bước vào trạng thái bình thường mới vừa qua, tình hình đang có tiến triển rất khả quan.

Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam và kết quả kiểm tra của Bộ Lao động, hiện nay, tỷ lệ phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, chế xuất đạt từ 50 đến 80% và số lao động trở lại làm việc hiện nay đạt 70 đến 75%, cá biệt có địa phương tới 90%.

"Như vậy, so với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng cuối năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng. Đó là do chúng ta đã chủ động những giải pháp, do các địa phương đẩy mạnh hoạt động phục hồi sản xuất", Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho hay.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu dự báo, hết quý I và đầu quý II/2022, nếu dịch bệnh không có diễn biến phức tạp hơn thì khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường nhiều khả năng đáp ứng được.

Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ và xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn phục hồi và giai đoạn bứt phá với những cơ chế chính sách đề xuất đảm bảo đủ mạnh, đủ lớn chương trình này là một trong những nội dung của Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo https://dantri.com.vn