Đây là một trong các tiêu chí được nêu trong dự thảo Thông tư quy định chi tiết tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.

Dự thảo đang được Bộ LĐ-TB&XH đăng tải lấy ý kiến góp ý tới hết ngày 22/10/2020.

Theo đó, mô hình trường cao đẳng chất lượng cao sẽ được đánh giá với 5 tiêu chí: Quy mô đào tạo, trình độ nhà giáo, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo, quản trị nhà trường, trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo.

Điểm đánh giá của mỗi tiêu chuẩn tối đa là 3 điểm. Tùy theo mức độ đạt được trong thời gian 2 năm bao gồm năm trước năm đánh giá và năm đánh giá, điểm đánh giá tiêu chuẩn là 1, 2, 3 điểm. Điểm đánh giá tối đa của tiêu chí là tổng số điểm đánh giá tối đa của các tiêu chuẩn có trong tiêu chí.

Từ 90% người học có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Quy mô đào tạo

Dự thảo Thông tư nêu rõ tiêu chí này cần đáp ứng 2 tiêu chuẩn sau. Tiêu chuẩn về quy mô đào tạo tối thiểu 1.500 học sinh, sinh viên; riêng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đối với trường phục vụ đối tượng chuyên biệt, đào tạo các ngành nghề đặc biệt là 500. Số lượng người học chiếm tỷ lệ ít nhất 80% quy mô đào tạo.

Tiêu chuẩn 2: Kết thúc khóa đào tạo, tỷ lệ người học hoàn thành chương trình đào tạo chiếm tỷ lệ ít nhất 70% tổng số tuyển sinh...

Trình độ nhà giáo

Tiêu chí này cần hội tụ 5 tiêu chuẩn: 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; 90% nhà giáo có kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp ở những ngành/nghề có liên quan; Hằng năm, nhà giáo được cập nhật kiến thức, kỹ năng, công nghệ tại doanh nghiệp có các ngành, nghề liên quan;

Đồng thời, tiêu chí cần thêm các tiêu chuẩn: Ít nhất 90% nhà giáo được người học đánh giá mức hài lòng trở lên, ít nhất 5% đội ngũ nhà giáo nằm trong các đối tượng: có trình độ kỹ năng nghề cao hoặc là Nhà giáo nhân dân, là nhà giáo ưu tú, nghệ nhân, giảng viên chính, giảng viên cao cấp, nhà giáo đạt giải tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, nhà giáo tham gia bồi dưỡng thí sinh tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN, thế giới...

Quản trị nhà trường

Theo đó, nhà trường xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng của trường theo quy định và đặc thù của trường, hàng năm được đánh giá, cải tiến khi cần thiết.

Trường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý của trường, đảm bảo các dữ liệu có khả năng đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu kết nối/chuyển dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Trang thông tin điện tử của trường được viết ít nhất bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, có nội dung đầy đủ, phong phú, thông tin cần thiết cho người truy cập.

Đồng thời, nhà trường triển khai đào tạo trực tuyến phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, nhu cầu người học và có biện pháp giám sát chất lượng hiệu quả...

Trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo

Cụ thể, người học có đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng được công nhận hoặc đạt giải tại kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia/khu vực/quốc tế.

Ít nhất 90% người học được các doanh nghiệp đánh giá năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc.

Người học sau khi tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng cơ bản và ứng dụng hiệu quả các hoạt động về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, kỹ năng khởi nghiệp và tự tạo việc làm...

Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo

Tiêu chí này cần hội tụ 5 tiêu chuẩn, cụ thể:

Doanh nghiệp tham gia chặt chẽ và hiệu quả trong quá trình xây dựng, rà soát, chỉnh sửa bổ sung chuẩn đầu ra, phát triển chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập. Trường triển khai đào tạo hợp tác với doanh nghiệp ở ít nhất 01 ngành/nghề, trong đó có cán bộ của doanh nghiệp đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm tham gia giảng dạy.

Hàng năm, trường hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, trải nghiệm thực tiễn, giải quyết việc làm cho người học.

Trường hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động của doanh nghiệp.

Chương trình đào tạo có các nội dung về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng số và kỹ năng xanh trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đối với ngành/nghề trọng điểm, thời gian đào tạo thực hành, thực tập, thí nghiệm chiếm ít nhất 70% tổng thời gian khóa học, trong đó đào tạo tại doanh nghiệp chiếm ít nhất 35% thời gian tổng thời gian khóa học.

Ít nhất 90% tổng số người học có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo hoặc tiếp tục học nâng cao trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp.

Theo Hoàng Mạnh (Báo Dân trí)