Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa công bố bản tin thị trường lao động việc làm quý I/2024 và dự báo quý II sẽ có khoảng 51,5% người lao động (NLĐ) có việc làm, tăng 200.000 người so với quý I.

Tỉ lệ thất nghiệp giảm

Báo cáo cho thấy tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành đã tăng trưởng trở lại. Nhất là các doanh nghiệp (DN) thâm dụng lao động tuyển dụng số lượng lớn lao động do có những đơn hàng mới.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất - kinh doanh của DN. Bộ đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình sản xuất - kinh doanh, lao động, việc làm, nhất là của DN trong các KCN, có phương án hỗ trợ DN trong tuyển dụng... Đặc biệt, các đơn vị đã tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm; nâng cao hiệu quả quản lý, điều tiết cung - cầu lao động để kết nối hiệu quả NLĐ với DN.

Do vậy, tình hình lao động, việc làm quý I năm nay đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19. Lực lượng lao động giảm nhẹ so với quý IV/2023 nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thiếu việc làm tăng nhưng tỉ lệ thất nghiệp giảm. Trong quý I/2024, lao động có việc làm ước tính là 51,3 triệu người, giảm 127.000 người so với quý trước và tăng 174.100 người so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết bộ đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 06 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

"Thời gian qua, ngành rất chú trọng phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thị trường các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm. Trong thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập, nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề nghiệp của DN" - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Cung cầu lao động vẫn lệch pha- Ảnh 1.

Nhu cầu tuyển dụng tăng khiến thị trường lao động trở nên sôi động hơn trước. Ảnh: GIANG NAM

Lo thiếu lao động

Dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, song báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH nhận định thị trường lao động vẫn tiềm ẩn những thách thức, trong đó có thực trạng cung - cầu lao động còn lệch pha.

Tại TP HCM, thị trường lao động tồn tại một nghịch lý là lao động phổ thông (LĐPT) thất nghiệp rất nhiều nhưng các DN lại không tuyển đủ lao động như mong muốn. Trong khi đó, mặc dù địa phương có tỉ lệ lao động đã qua đào tạo rất cao trong cơ cấu nguồn nhân lực nhưng nhóm này lại đang có ít lựa chọn việc làm hơn.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, trong 5 tháng đầu năm, có 48.837 vị trí tuyển dụng trong khi chỉ có 8.568 NLĐ tìm việc. Trong đó có 15.374 vị trí tuyển dụng LĐPT (chiếm 31,48%); 6.968 vị trí ngành thực phẩm - đồ uống (chiếm 14,27%) và 7.039 vị trí cần tuyển trong ngành sản xuất da giày - may mặc (chiếm 14,41%). Trong khi đó, chỉ 2.736 người tìm việc LĐPT, 257 người tìm việc ngành thực phẩm - đồ uống, 645 người tìm việc ngành da giày - may mặc.

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang tuyển dụng Việc Làm Tốt, cho biết có 4 lĩnh vực đang có nhu cầu nhân sự lớn gồm bán hàng và chăm sóc khách hàng, dịch vụ ăn uống, công nhân và logistics bán lẻ (shipper và nhân viên kho vận). "Dù nhu cầu tuyển dụng dồi dào nhưng số lượng NLĐ mong muốn có việc làm ở ngành này chỉ tăng khoảng 3,8% so với năm 2023, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường" - bà Ngọc nói.

Theo các chuyên gia, dự báo trong trung và dài hạn, đà tăng dân số của thành phố có khả năng sẽ giảm, độ tuổi lao động sẽ chững lại. Đồng thời, dòng lao động di cư đến TP HCM có thể giảm do các địa phương vệ tinh đang phát triển công nghiệp rất nhanh. Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, việc đa dạng lực lượng lao động là điều kiện quan trọng để TP HCM phát triển kinh tế, trong đó có khối ngành sản xuất và dịch vụ. Vì vậy, TP HCM cần có chiến lược phát triển lực lượng lao động đủ đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Nhu cầu việc làm tăng trong quý II

Bộ LĐ-TB-XH dự báo trong quý II, 3 nhóm ngành có nhu cầu việc làm tăng so với quý trước gồm: sản xuất giường, tủ, bàn ghế (tăng 2,6%), dệt may (tăng 2,0%), sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 1,6%). Với kết quả khả quan từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ.

 
Theo Giang Nam - Huỳnh Như (Báo Người Lao động)