Đơn hàng tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển dụng vẫn chưa đạt số lượng theo nhu cầu

Từ đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi tích cực. Nhiều DN có thêm đơn hàng và mở rộng sản xuất, đồng thời bắt đầu tuyển dụng lao động nhiều hơn. Đặc biệt, lĩnh vực may mặc, gia giày đang cần nhiều lao động, tạo cơ hội việc làm cho lao động phổ thông. Theo ghi nhận, không chỉ trong tỉnh, tình hình chung các DN trên cả nước đang gặp khó về tuyển dụng lao động.

Tại Công ty Cổ phần TBS khu vực Thoại Sơn, nhà máy cần tuyển dụng khoảng 1.900 lao động, tuy nhiên tình hình biến động cũng diễn ra khá nhiều. Cuối năm 2024, công ty tiếp tục có nhu cầu tuyển thêm 1.000 lao động phục vụ sản xuất, dự báo đơn hàng đến năm 2025 tiếp tục tăng. Đây là tín hiệu mừng của DN, nhưng cũng là cái khó của DN cần địa phương hỗ trợ thông tin tuyển dụng đảm bảo cho đơn vị sản xuất.

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang Nguyễn Hồng Quang cho biết, hiện nay, việc tuyển lao động của DN trong Khu công nghiệp Bình Hòa gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có 3 công ty tuyển lao động liên tục vẫn không đạt số lượng theo nhu cầu. Thậm chí vừa qua, có 1 DN yêu cầu cho nhập lao động từ nước ngoài vào để giải quyết đơn hàng của tháng 4 và 5 nhưng không được chấp thuận vì không đúng với pháp luật Việt Nam. DN trên đã chuyển đơn hàng lên TP. Hồ Chí Minh để hoàn thành kịp tiến độ theo hợp đồng.

Các DN đồng thời gửi thông tin nhờ các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ thông báo ở địa phương về nhu cầu tuyển dụng. Qua các đợt thăm, làm việc với DN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh đều ghi nhận khó khăn này và đang hỗ trợ tích cực chia sẻ thông tin đến các địa phương, mạng xã hội.

Nhận định của các cơ quan chức năng, thị trường chưa thu hút được lao động do chế độ lương, đãi ngộ, môi trường làm việc… một số nơi chưa hấp dẫn. Sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang là sự cạnh tranh thu hút nguồn lao động so với các công ty ở thành phố lớn.

Tuy nhiên, tại các địa phương hiện cũng có nhiều công ty, cơ sở vừa và nhỏ “mọc” lên, lao động chuộng làm việc gần nhà hơn là chấp nhận đi xa nhằm giảm phát sinh chi phí. Mức lương của các công ty hiện nay chênh lệch không quá lớn, không đủ cho NLĐ trang trải cuộc sống nếu làm việc xa nhà, phải thuê trọ, nuôi con, chu cấp cho người thân…

Mặt khác, trước đây, do tình hình sản xuất - kinh doanh (SXKD) gặp khó khăn, nhiều DN buộc phải cắt giảm lao động, nay lại tuyển dụng ồ ạt khiến nhiều lao động có tâm lý e ngại. Chị K.O., nhà ở thị trấn An Châu (huyện Châu Thành) cho biết, sau khi nghỉ làm do công ty cắt giảm lao động, chị chuyển sang bán trái cây, tận dụng mạng xã hội bán thêm các mặt hàng tiêu dùng qua online. Tuy thu nhập không ổn định nhưng chị K.O. không mạnh dạn trở lại xin việc làm, vì lo sợ biến động thị trường xảy ra, những lao động có thời gian làm việc ngắn luôn nằm trong diện bị cắt giảm.

Chị T.P. ở xã Bình Hòa (huyện Châu Thành) nghỉ việc khi gần chạm tuổi 40. Với chị P., trở lại môi trường công nghiệp là một khó khăn vì sức khỏe ngày càng giảm, khó cạnh tranh năng suất với lao động trẻ, trong khi lương, chế độ phải tính lại từ đầu. Chị P. mong muốn sớm được học nghề để phát triển một công việc tại nhà và mức thu nhập đủ sống.

Tình hình trên thế giới biến động không ngừng, việc SXKD của DN trong nước theo đó ảnh hưởng khá nhiều. Các DN chia sẻ, thị trường nước ngoài đang thận trọng hơn với những đơn hàng dài hạn, thay vào đó sẽ tập trung những đơn hàng ngắn hạn. Do vậy, đơn hàng các DN trong nước tăng lên, nhưng yêu cầu thời gian hoàn thành sẽ rút ngắn, tạo ra khó khăn buộc DN phải tuyển thêm lao động.

Trong khi đó, việc tuyển dụng được tăng cường trong nhiều tháng qua, song số lượng mỗi ngày chỉ vài chục người, cá biệt có DN tuyển được số người mới chỉ vừa đủ bù đắp cho số lao động cũ đã nghỉ việc. Khi đã tuyển được lao động, chính sách giữ chân họ ở lại gắn bó cũng là một bài toán lâu dài. Đi kèm theo những quyền lợi thỏa đáng tại nơi làm việc, NLĐ còn mong muốn được đảm bảo, hỗ trợ các chính sách an sinh, điều kiện nơi ở, nhà trẻ và các dịch vụ xã hội xung quanh môi trường họ làm việc.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Nguyễn Hoàng Minh Thư cho rằng, quan hệ lao động trong các DN cũng là mối quan tâm. Thời gian qua, các sở, ngành thường xuyên đến thăm, làm việc trực tiếp tại các DN có đông lao động trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nắm tình hình lao động, việc làm và quan hệ lao động trong DN. Bên cạnh ghi nhận những khó khăn của DN trong hoạt động SXKD nhưng cũng động viên, giải thích để các DN quan tâm tăng cường việc thực hiện trách nhiệm xã hội đối với NLĐ.

Trong đó, cải thiện tiền lương, nâng cao và hoàn chỉnh, tạo môi trường làm việc tốt, an toàn cho NLĐ làm việc, thu nhập ngày càng tăng lên. Đó là điều kiện giữ chân NLĐ hiện tại, thu hút nguồn lao động mới đến các công ty làm việc, cùng DN phát triển trong thời gian tới.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang, tháng 4/2024, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.957 người, tăng 111,52% so tháng 3/2024 (1.398 người). Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.104 người, tăng 157,84% so tháng 3/2024 (816 người), trong đó, đa số là lao động phổ thông, lao động trong DN FDI chiếm gần 46%. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 170 DN, nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động.Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tháng 4/2024, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.957 người, tăng 111,52% so tháng 3/2024 (1.398 người). Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.104 người, tăng 157,84% so tháng 3/2024 (816 người), trong đó, đa số là lao động phổ thông, lao động trong DN FDI chiếm gần 46%. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 170 DN, nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động.
 
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)