Nhằm phục hồi và mở rộng sản xuất sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đang cần tuyển dụng số lượng lớn lao động các ngành kỹ thuật, song lượng ứng viên không đủ đáp ứng nhu cầu. Để giải bài toán này, một số DN đã trực tiếp liên hệ với các cơ sở đào tạo nhằm tạo nguồn nhưng kết quả không mấy khả quan.

Không tuyển đủ người

Ông Trương Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM), cho biết thời gian qua, nhiều DN đã gửi yêu cầu tuyển dụng lao động các ngành kỹ thuật và đề nghị nhà trường hỗ trợ. Tuy nhiên, do hầu hết sinh viên (SV) đều có việc làm sau khi tốt nghiệp, thậm chí nhiều em đã tìm được chỗ làm trong thời gian thực tập nên trường không thể kết nối.

Giải bài toán khan hiếm lao động kỹ thuật - Ảnh 1.

Ứng viên tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng tại ngày hội việc làm do Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM) tổ chức. Ảnh: MAI CHI

Tại ngày hội việc làm do Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tổ chức mới đây, 48 DN tham gia đều rao tuyển các vị trí dành cho lao động các ngành kỹ thuật với số lượng từ vài chục đến vài trăm người, với chế độ đãi ngộ hậu hĩnh.

Điển hình như Công ty CP Bibica tuyển 42 kỹ sư điện và nhân viên kỹ thuật ngành điện, cơ khí, vận hành máy, hóa thực phẩm (lương từ 10-17 triệu đồng/tháng); Công ty TNHH Scancom Việt Nam tuyển 30 nhân viên kỹ thuật cơ khí (lương từ 9,5-11 triệu đồng/tháng); Công ty TNHH ILD Coffee Việt Nam tuyển 57 kỹ sư cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ thực phẩm cho các vị trí tổ trưởng sản xuất, kỹ thuật viên vận hành sản xuất, bảo trì; Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (Vaeco) tuyển 62 kỹ sư, thợ sửa chữa cấu trúc và kỹ thuật máy bay (lương từ 10,5-27,5 triệu đồng/tháng)...

Ngoài các vị trí đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm trên 1 năm, các DN cũng dành nhiều cơ hội và chính sách đào tạo cho SV mới ra trường lẫn chỗ thực tập cho họ như Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam, Công ty TNHH Colgate-Palmolive Việt Nam, Công ty TNHH MTV Koei Kiko Việt Nam...

Ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng thu hút nhân tài Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân, cho hay DN đang cần 150 lao động kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho 6 tháng cuối năm. Người lao động làm tại công ty hưởng mức lương từ 8,5-10 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca và các khoản hỗ trợ sinh hoạt, phụ cấp khác. "Chúng tôi đã liên hệ tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau, kể cả đặt vấn đề với các trường ĐH, CĐ nhưng vẫn không tuyển đủ người" - ông Đức cho biết.

 
 

Thu hút ứng viên tiềm năng là sinh viên

Trong bối cảnh nguồn cung lao động kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, một số DN đã chọn giải pháp thu hút ứng viên tiềm năng là SV.

Đại diện Công ty TNHH Kết cấu thép QH Plus (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết DN đang mở rộng sản xuất nên cần tuyển hơn 200 kỹ sư, nhân viên kỹ thuật (hàn, lắp, sơn, vận hành máy...). Tại các ngày hội việc làm, công ty chủ động thu thập thông tin ứng viên, nhất là SV giỏi để tạo nguồn. Ngoài ra, DN còn tiếp nhận SV thực tập để vừa giúp họ cọ xát thực tế và nâng cao kiến thức. Đây cũng là cơ hội để DN lựa chọn ứng viên phù hợp bổ sung cho lực lượng lao động tại đơn vị.

Để chủ động nguồn nhân lực, mới đây, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC, đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Theo nội dung thỏa thuận, trường sẽ giới thiệu SV ưu tú để công ty trao tặng các suất học bổng hằng năm; phối hợp tổ chức các đợt thực tập, kiến tập cho SV tại công ty. Bên cạnh đó, trường cũng sẽ hỗ trợ DN trong việc giới thiệu nguồn lao động chất lượng cao và tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện, thi kỹ năng nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên nhằm nâng chất nguồn nhân lực.

Tương tự, ngoài tạo điều kiện cho SV năm cuối tại các trường đến thực tập có hưởng lương, Công ty CP Sản Xuất Nhựa Duy Tân có chương trình "Nhân sự tiềm năng" dành cho SV mới tốt nghiệp, có điểm trung bình học lực 7.0 và tiếng Anh Toeic 500 trở lên. Mô hình này đã giúp công ty bổ sung đáng kể lực lượng lao động có tay nghề.

Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp

Ông Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thời gian qua nhà trường triển khai mô hình đào tạo theo nhu cầu của DN. Để làm được điều này, nhà trường đã lập các ban cố vấn cho các ngành, nghề đào tạo là đại diện các DN sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo tại trường. Mỗi năm, ban cố vấn sẽ tham gia góp ý về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất của trường. Trên cơ sở này, nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy để SV tốt nghiệp ra trường sẽ có việc làm ngay.

Theo https://nld.com.vn