Lương tăng, mức đóng bảo hiểm tăng

Không để người lao động thiệt thòi về thu nhập đúng lúc... tăng lương - 1

Sau khi tăng lương tối thiểu, số tiền đóng bảo hiểm cho người lao động cũng được tăng theo.

Chị Nguyễn Thị Thanh (43 tuổi, quê Nghệ An), công nhân may tại Khu chế xuất Linh Trung 1, phấn khởi khi biết được thông tin Chính phủ chốt tăng 6% tiền lương tối thiểu vùng từ 1/7. Như vậy là thu nhập của chị đã tăng thêm 180.000 đồng mỗi tháng.

Chị Thanh vào TPHCM làm công nhân đã gần 20 năm và đang thuê trọ một mình tại đường 1K, TP Thủ Đức. Thời điểm dịch bệnh, chị quyết bám trụ tại thành phố nên số tiền tích lũy bao nhiêu năm cũng tiêu gần hết. Đã 2 năm không tăng lương tối thiểu vùng trong khi mọi thứ giá cả đều lên nên chị Thanh càng khó khăn hơn.

Thu nhập của chị sau dịch không cao vì công ty ít tăng ca, đơn hàng không nhiều như trước đây.

Vì vậy, khi nhận thông tin Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu, chị Thanh mừng lắm. 

"Vậy là bao ngày tháng chờ đợi, cũng đến ngày công nhân chúng tôi được tăng lương. Bây giờ, nghe tin gì cũng không thích bằng được tăng lương. Tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với mức lương đóng bảo hiểm của chúng tôi cũng cao hơn, sau này về hưu, lương hưu được cải thiện", chị Thanh cho hay.

Anh Dương Văn Linh (29 tuổi, làm việc tại khu công nghệ cao TP Thủ Đức) cho biết, mức lương công ty anh đang trả cao hơn lương tối thiểu vùng khoảng 1 triệu đồng. Anh Linh là lao động có tay nghề, đã qua đào tạo, chuyên môn vững, cho nên công ty có nhiều chế độ đãi ngộ riêng.

"Không chỉ riêng công ty chúng tôi, đa số công nhân tại khu công nghệ cao đều có lương cơ bản cao hơn lương tối thiểu vùng. Bây giờ, doanh nghiệp cũng mong muốn tuyển dụng được công nhân có tay nghề nên đưa ra mức lương và chế độ tốt, cạnh tranh", anh Linh chia sẻ.

Không để người lao động thiệt thòi

Không để người lao động thiệt thòi về thu nhập đúng lúc... tăng lương - 2

Các doanh nghiệp đang xây dựng lại bảng lương theo hướng có lợi nhất cho người lao động.

Bà Trần Thanh Châu, Chủ tịch Công đoàn CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết, công nhân làm việc trong doanh nghiệp có mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng; trong thời gian đơn hàng nhiều, tăng ca, thu nhập của người lao động trên 10 triệu đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu vùng mới, sẽ áp dụng từ 1/7, được quy định tại Quyết định 38 của Chính phủ, bà Châu khẳng định, công đoàn và công ty sẽ nghiên cứu kỹ.

Theo bà Châu, công đoàn đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề thương lượng, đặc biệt là thương lượng về tiền lương. Công nhân lao động và doanh nghiệp rất quan tâm về vấn đề này. 

"Trên thực tế, tiền lương rất quan trọng trong quan hệ lao động. Cho nên, nếu công đoàn nắm chắc các vấn đề và có kỹ năng thương lượng, đàm phán tốt thì khả năng chủ doanh nghiệp sẽ đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không phải người sử dụng lao động sẽ đồng ý 100% mà sẽ dựa vào kết quả hoạt động, lợi nhuận của doanh nghiệp" - nữ Chủ tịch công đoàn chia sẻ kinh nghiệm.

Công ty TNHH Jia Hsin (Long An) chuyên sản xuất dép xốp đi biển thu hút khoảng 6.000 công nhân lao động, trong đó có cả người lao động khuyết tật. Thu nhập trung bình của công nhân ở đây dao động từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn có các chế độ cho người lao động làm việc lâu năm, có tay nghề, đã qua đào tạo… 

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc nhân sự công ty cho rằng, lao động có tay nghề hay lao động đã qua đào tạo luôn có chỗ đứng và giá trị nhất định với doanh nghiệp. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có tay nghề trong doanh nghiệp rất lớn. Chính vì thế ,để thu hút đối tượng lao động này, doanh nghiệp cần có nhiều chính sách đãi ngộ trong đó có tiền lương.

Với doanh nghiệp, "công thức" chung được đúc rút là "trả lương cao, sẽ thu hút được nhân tài".

Bà Kim Anh cho biết thêm, mức lương tối thiểu đối với người lao động đã qua đào tạo, làm việc trong công ty vẫn được trả cao hơn 7% so với lương tối thiểu vùng. Hơn nữa, các quy định về mức đóng bảo hiểm của công nhân lao động cũng được công ty thực hiện đầy đủ. Công ty vẫn xét tăng lương với mọi lao động theo quy định của pháp luật và theo nội quy của doanh nghiệp.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn Đồng Nai cho biết, Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ, Chính phủ quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn. Các loại lương, thu nhập khác thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận dựa trên năng suất và kết quả lao động nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật. 

 
Theo https://dantri.com.vn