Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm của UBND TPHCM, kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế 9 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 27,7% so cùng kỳ 2021. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 466.000 tỷ đồng, tăng 21,1%. Doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 60.955 tỷ đồng, tăng 92,1%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19,6%…
Các ngành sản xuất, dịch vụ đều tăng trưởng kéo theo nhu cầu lao động tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm, TPHCM đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 241.000 lao động (tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái), số việc làm mới tạo ra là hơn 107.000 chỗ (tăng gần 31%).
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nhận định, Đông Nam bộ là một trong 3 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trong quý III năm 2021 nhưng phục hồi mạnh mẽ trong quý III năm nay, quy mô lao động có việc làm tăng rất mạnh.
So với các vùng khác, thu nhập bình quân người lao động vùng Đông Nam Bộ được cải thiện nhiều nhất trong quý III/2022. Trong đó, lao động làm việc tại TPHCM có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất vùng Đông Nam bộ, tăng từ 5,7 triệu đồng (quý III/2021) lên 9,2 triệu đồng (tăng 60,3%).
Theo đà tăng trưởng này, dự kiến thị trường việc làm tại TPHCM những tháng cuối năm càng sôi động hơn. Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) nhận định, trong quý IV/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển khoảng 70-75 ngàn lao động để phục vụ hoạt động kinh doanh cuối năm.
Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 66%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 33%). Doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng nhân sự làm việc thường xuyên, nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết chỉ chiếm khoảng 15%.
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi cho rằng: "Qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 5-NQ/TU của Ban Chấp hành đảng bộ TPHCM về Kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, bước đầu thành phố ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, kéo theo thị trường lao động cũng có nhiều khởi sắc".
Phục hồi nhanh nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác… Doanh nghiệp các ngành này luôn đi đầu về nhu cầu tuyển dụng trong 9 tháng đầu năm.
Bà Nguyễn Thu Hà (Adecco Việt Nam) cũng đánh giá thị trường tuyển dụng đang trên đà tăng trưởng. Dữ liệu của doanh nghiệp trong quý III/2022 cho thấy có sự gia tăng ổn định số lượng cơ hội việc làm mới và số lượng hồ sơ ứng tuyển so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Hà, sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp. Ngành dịch vụ cũng ghi nhận tín hiệu tích cực về nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm & đồ uống.
Bà Nguyễn Thu Hà cho biết thêm: "Nhu cầu nhân sự đảm nhận các vị trí cấp trung và cấp cao trong ngành sản xuất đang gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử".
Theo Adecco Việt Nam, các tập đoàn lớn trên thế giới và nhà sản xuất phụ tùng gốc đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau nhiều tháng gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19. Điều đó kéo theo nhu cầu cấp bách về nhân sự chất lượng cao trong các ngành này.