Thị trường lao động việc làm ở châu Âu đang chịu ảnh hưởng của làn sóng "nhảy việc" do đại dịch Covid-19. Nhiều lao động bản địa chọn cách nghỉ hưu sớm, số khác thì không muốn làm việc nặng, lương thấp hoặc chế độ theo họ là không tương xứng. Thêm vào đó, số lượng lao động nhập cư giảm mạnh do các lệnh phong tỏa trong 2 năm đại dịch hoành hành.
Đẩy mạnh tuyển dụng
Để giải quyết vấn đề nêu trên, chính phủ nhiều nước châu Âu đã thông qua kế hoạch thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực ngoại khối. Đây chính là cơ hội cho người lao động (NLĐ) Việt Nam.
Báo cáo về tình hình thị trường lao động của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại châu lục này đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay, trung bình 7%. Trong đó, các nước Đông Âu có tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với Tây Âu.
Nhiều nước Đông Âu đang đạt tới trạng thái "toàn dụng nhân công" - nghĩa là những ai trong độ tuổi, có khả năng lao động và chấp nhận mức lương hiện hành đều có việc làm ngay lập tức. Tuy vậy, báo cáo nêu rõ khối này đang thiếu từ chuyên gia công nghệ thông tin, bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ, giáo viên, y tá cho tới đầu bếp, thợ ống nước, tài xế xe tải, thợ hàn, thợ nề, thợ điện, thợ mộc...
Ngay từ cuối năm 2021, khi đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế bắt đầu phục hồi, nhiều liên đoàn và hiệp hội doanh nghiệp (DN) tại Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, Bỉ, Cộng hòa Czech… đã đề nghị chính phủ hạ thấp một số tiêu chuẩn để thu hút lao động từ bên ngoài. Một số doanh nghiệp (DN) xây dựng đã đưa ra mức lương khởi điểm cho công nhân mới vào nghề khoảng 2.500 euro (khoảng 60 triệu đồng) nhưng vẫn không tuyển đủ nhân sự.
Các nước châu Âu đang “khát” lao động khối ngành kỹ thuật
Một số nước như Hungary, Rumani, Ba Lan… cũng gia tăng tuyển dụng từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đại diện Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết phía Hungary đang tăng cường tuyển dụng nhân công làm các công việc liên quan đến cơ khí, xây dựng, dịch vụ, nhà hàng - khách sạn... Mức lương mà NLĐ có thể nhận được là từ 1.200 đến 1.400 USD mỗi tháng; được chủ sử dụng lao động cấp chỗ ở, phụ cấp tiền ăn và chi trả vé máy bay khi kết thúc hợp đồng về nước. NLĐ chỉ cần đủ sức khỏe, có tay nghề cơ bản, học tiếng cơ bản là có thể sang Hungary làm việc trong 2 năm và có thể gia hạn.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, ngoài 3 thị trường lao động trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), trung tâm này đang nghiên cứu khu vực tiềm năng châu Âu bởi đây được xem là thị trường chất lượng cao. Đồng Tháp hiện là tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng lao động ra nước ngoài làm việc, chủ yếu sang Nhật Bản. Số lao động này khi hết hạn hợp đồng về nước đã bổ sung nguồn nhân lực của Đồng Tháp, một số khởi nghiệp và số còn lại có nhu cầu tiếp tục ra nước ngoài làm việc.
Hấp dẫn du học nghề
Ông René Herrmann, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vivantes (CHLB Đức), cho biết sau khi phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) từ năm 2015 đến nay, Vivantes đã đưa được 870 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang Đức học tập và làm việc.
Theo ông René Herrmann, chương trình du học nghề sang CHLB Đức vẫn được xem là con đường xuất khẩu lao động chất lượng và phù hợp nhất với lao động trẻ Việt Nam. Về cơ bản, Đức không tiếp nhận lao động phổ thông từ nước ngoài nhưng sẵn sàng trả lương, miễn phí đào tạo để có được lao động tay nghề theo tiêu chuẩn đào tạo của Đức. Những ngành nghề mà Đức đang dành cho các lao động trẻ Việt Nam gồm: điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm... Tùy ngành nghề mà NLĐ được đào tạo từ 2 đến 3 năm theo nguyên tắc 45% học lý thuyết tại cơ sở đào tạo; 55% thực hành tại nhà máy, công xưởng, bệnh viện, cơ sở du lịch... để khi tốt nghiệp, họ sẽ làm việc ở nơi mình thực hành. Đây là cách mà Đức đã làm hàng chục năm qua và được xem là điển hình trong đào tạo nghề của cả thế giới.
Vài năm gần đây, nhiều lao động trẻ Việt Nam đã tham gia chương trình du học nghề. Rất nhiều người đã tốt nghiệp ra trường, được ký hợp đồng làm việc chính thức, được hưởng mức lương cao. Để giữ chân NLĐ, Đức đưa ra chính sách hợp đồng làm việc không thời hạn, được định cư và bảo lãnh người thân, giúp NLĐ ổn định và phát triển sự nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu này.
Ngoài du học nghề, hình thức chuyển đổi một phần hay toàn phần những ngành nghề mà Đức cho phép cũng đang là điểm nhấn của thị trường lao động rộng lớn này. Những cử nhân điều dưỡng, kỹ sư cơ khí, xây dựng và cả công nghệ thông tin cũng có thể có cơ hội làm việc tại Đức sau khi chuyển đổi những học phần có trong chương trình đào tạo của nước này.
NLĐ thuộc diện này có thể phải học thêm những phần theo yêu cầu của Đức để đủ tiêu chuẩn đầu ra, đủ điều kiện làm việc. Tất nhiên, tiếng Đức vẫn là yêu cầu cao nhất đối với NLĐ nước ngoài muốn làm việc tại quốc gia này.
Sẽ đào tạo bài bản
"Xuất khẩu lao động trong thời gian tới hướng đến những thị trường chất lượng, thu nhập cao, trọng tâm là các nước phát triển ở châu Âu. Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất phải đào tạo 6 tháng trở lên, nâng dần tỉ lệ qua đào tạo từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi nước ngoài lao động phải được đào tạo bài bản" - ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh.