Thông thường, vào những tháng cuối năm, các doanh nghiệp thâm dụng lao động như giày da, may mặc thường tăng ca, tuyển gấp lao động để đảm bảo tiến độ hoàn thành các đơn hàng, kế hoạch sản xuất năm…
Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng đẩy mạnh tuyển dụng nhân viên thời vụ nhằm phục vụ nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Do đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông rất lớn.
Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), quý IV/2022, hầu hết doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, đã qua đào tạo.
Cụ thể, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM có nhu cầu tuyển khoảng 70.000-77.000 lao động trong 3 tháng cuối năm. Trong đó, lao động đã qua đào tạo chiếm gần 85% (trình độ đại học trở lên chiếm 16,8%, cao đẳng chiếm 24,7%, trung cấp chiếm 28,6%, sơ cấp chiếm 14,8%), chỉ 15% vị trí việc làm dành cho lao động phổ thông.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, tỷ lệ này không có gì đột biến so với mấy năm gần đây. Nhu cầu lao động có tay nghề ngày càng tăng cao là xu hướng của thị trường lao động, đặc biệt là tại một đô thị sôi động như TPHCM.
Ông Tuấn cho rằng, nhu cầu nhân lực của thị trường trong tương lai là lao động tri thức. Tri thức ở đây không phải là bằng cấp, mà là lao động có kỹ năng làm việc, có tay nghề, đã qua đào tạo chính quy từ các trường lớp...
Những nhà máy với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, robot được điều khiển bởi công nghệ tự động hóa đang dần thay thế nhà xưởng đông nhân công ngày xưa, chiếm lĩnh các vị trí việc làm phổ thông của con người. Do đó, các nhà xưởng cần nhân sự có trình độ, kiến thức, tay nghề để điều khiển hệ thống, nhu cầu lao động phổ thông ngày càng ít.
Theo Falmi, sau một năm phục hồi kinh tế hậu Covid-19, bước đầu thành phố đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, các doanh nghiệp phục hồi tiến độ sản xuất, kéo theo thị trường lao động có nhiều khởi sắc so với năm 2021. Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy… luôn đi đầu về nhu cầu tuyển dụng.
Tuy nhiên, thị trường lao động cũng đang có sự đào thải gay gắt vì sự phát triển của khoa học công nghệ đang làm phát sinh nhiều hình thức làm việc mới, thay đổi cơ cấu, tổ chức công việc, đòi hỏi người lao động phải thích ứng, nâng cao trình độ chuyên môn…
Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: "Thị trường lao động hiện nay và tương lai cho thấy xu hướng những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp… sẽ mất lợi thế cạnh trạnh, phần lớn lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị mất việc làm".
Theo Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, lao động không có tay nghề, người làm công việc phổ thông sẽ dần bị đào thải, không cạnh tranh nổi trên thị trường lao động. Tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai, thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng kỹ năng thấp - lương thấp và kỹ năng cao - lương cao.