Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới 2 năm tổ chức một lần được xem là sân chơi lớn nhất, quy mô toàn cầu dành cho các học sinh, sinh viên chuyên học nghề. Kỳ thi năm nay với phiên bản đặc biệt thu hút hơn 1.000 thí sinh đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 62 nghề khác nhau từ ngày 30-9 đến 28-11. Đoàn Việt Nam gồm 11 thí sinh tham dự ở 10 nghề bao gồm cơ điện tử, điện toán đám mây, lắp cáp mạng thông tin, công nghệ nước, lắp đặt điện, phay CNC, tiện CNC, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và thiết kế các kiểu tóc.

Dấu ấn Việt Nam

Kết quả bước đầu cho thấy thí sinh Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Xuân Thái đến từ Viện Đào tạo kỹ năng nghề Denso (TP Hà Nội) đã xuất sắc giành 2 huy chương bạc cho nghề phay CNC và tiện CNC. Trong cuộc đua nghề tiện CNC, Nguyễn Xuân Thái và 2 thí sinh thuộc đoàn Nhật và Thái Lan giành huy chương bạc, huy chương vàng thuộc về thí sinh người Trung Quốc.

Hạnh phúc và tự hào là cảm xúc của Thái khi ban tổ chức xướng tên Việt Nam đồng hạng nhì. "Cảm xúc lúc đó khó tả nhưng đó là thành quả xứng đáng sau nhiều nỗ lực của bản thân, của nhà trường, của chuyên gia và của cả gia đình, bạn bè đã luôn động viên, ủng hộ" - Thái xúc động nói.

Thái cho biết máy móc mỗi năm thay đổi nên thí sinh phải nhạy bén và thích ứng tốt mới hoàn thành được bài thi. Đề thi có một số điểm mới yêu cầu thí sinh phải có tay nghề cao, sáng tạo để giải quyết vấn đề. "Nghề tiện CNC yêu cầu rất cao về sự cẩn thận, chính xác và cần có trình độ nhất định về hình học. Áp lực về thời gian và cạnh tranh trực tiếp với các thí sinh xuất sắc nhất thế giới cũng là cơ hội để vươn lên. Nhờ chuẩn bị tốt, kết quả kỳ này phản ánh thực lực trình độ nghề của Việt Nam" - Thái cho biết. Với thành tích vừa đạt được, Thái hy vọng sẽ tạo thêm động lực cho các bạn trẻ theo nghề. Thái cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với công ty để nâng cao trình độ và sẽ hỗ trợ đào tạo các thế hệ thí sinh tiếp theo theo nghề tiện CNC.

Còn với Nguyễn Thanh Tùng, quá trình rèn luyện, học tập gian nan đã cho thành quả trên cả mong đợi. Tùng cho biết kỳ thi năm nay, nghề phay CNC có nhiều đổi mới khiến thí sinh đối diện nhiều thử thách chưa từng có. Áp lực khi thi đấu với các thí sinh đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu cũng là thử thách không nhỏ với Tùng. Tuy vậy, bằng bản lĩnh và nỗ lực không mệt mỏi, Tùng đã vượt qua các thí sinh từ 22 nước tham dự để giành vị trí thứ 2 chung cuộc, chỉ sau thí sinh đến từ Trung Quốc.

"Năm nay, ban tổ chức đưa ra đề mở với những nội dung đa dạng, có độ khó rất cao. Thí sinh phải làm ra sản phẩm có kích thước với dung sai lên đến 1/1.000. Điểm số của thí sinh được đánh giá qua kích thước sản phẩm của mình" - Tùng nói.

Tự hào kỹ năng nghề của lao động Việt - Ảnh 1.

Thí sinh Nguyễn Thanh Tùng trong cuộc thi phay CNC tại Đức và xuất sắc giành huy chương bạc. Ảnh: WORLDSKILLS 2022

 
 

Xã hội hóa các kỳ thi

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết giành được 2 huy chương bạc là thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam trong các lần tham gia kỳ thi kỹ năng nghề thế giới.

Điều này thể hiện công tác phát triển kỹ năng nghề của Việt Nam đang đi đúng hướng, đó là xã hội hóa các kỳ thi, đặc biệt là kêu gọi, thu hút sự tham gia của các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ nhằm giúp nâng tầm kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất. "Cuộc thi không chỉ là cơ hội để các bạn trẻ rèn luyện kỹ năng nghề, nhất là các nghề công nghệ cao, tiếp cận trình độ thế giới, mà công tác đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của Việt Nam đã có bước phát triển đáng mừng" - bà Hương nhận định.

Kỳ thi năm nay ghi nhận sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp (DN). Nhiều DN chủ động cử chuyên gia trong từng lĩnh vực đến các cơ sở giáo dục huấn luyện thí sinh, trang bị các công nghệ mới. Thậm chí, một số DN sẵn sàng lo tài chính cho thí sinh ra nước ngoài tập huấn để cọ xát. Điều này cho thấy DN ngày càng quan tâm việc phối hợp cùng trường nghề để có được lực lượng nhân lực tay nghề cao.

Ông Mitsuo Ota - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Denso Việt Nam, đơn vị chủ quản của Viện Đào tạo kỹ năng nghề Denso - cho biết công ty đã lập Viện Đào tạo kỹ năng nghề từ năm 2013 với mục tiêu đào tạo những nhân lực có tay nghề cao tại Việt Nam. Công ty đang đào tạo những nhân lực có khả năng đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi tay nghề thế giới.

"Hai thí sinh năm nay đoạt huy chương bạc đều do Denso đào tạo và tài trợ chi phí dự thi. Năm 2019, thí sinh của chúng tôi cũng lần đầu tiên giành huy chương bạc nghề phay CNC cho đoàn Việt Nam tại Nga. Đây là thành quả của sự hợp tác giữa Denso Việt Nam với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo đội ngũ công nhân có đủ tâm, kỹ năng nghề nghiệp và thể chất, từ đó góp phần vào sự phát triển của xã hội và đất nước Việt Nam" - ông Mitsuo Ota cho biết.

<grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension><grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension>
Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động là một trong những mục tiêu của dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Mục tiêu tổng quát của đề án này là chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, giúp hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng lao động Việt Nam.
Theo https://nld.com.vn