Theo nghiên cứu của Anphabe (đơn vị tư vấn về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc), Việt Nam không nằm ngoài xu hướng thế giới khi "sóng thần sa thải" nhanh chóng ập đến và tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, thương mại điện tử, bất động sản, bảo hiểm... bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau để giảm chi phí.
Đến nay, đã có khoảng 13% người đi làm tại Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sa thải, tập trung nhiều hơn ở cấp nhân viên và nhất là nhóm còn trong giai đoạn thử việc.
Theo khảo sát, vào tháng 5 với nhóm nhân sự từ cấp quản lý trở lên, ngoài 33% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm, vẫn có 13% doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm trong thời gian tới; 34% quyết định giữ nguyên và chỉ 20% có kế hoạch gia tăng nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, đối với nhóm công ty quyết định giữ nguyên hoặc sẽ cắt giảm nhân sự, biện pháp "không tuyển thay thế" đối với nhân viên tự nguyện nghỉ việc đang trở nên phổ biến.
Các doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động do kinh doanh khó khăn, không đủ tiền để trả lương hoặc không đủ việc cho nhân viên…
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy xu hướng giảm nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp đang dịch chuyển theo hướng tích cực hơn.
"Trong nỗ lực cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp có thể ngay lập tức tiết kiệm tối đa chi phí. Tuy nhiên sau đó, họ có thể sẽ trả giá cho những mất mát lớn hơn về năng suất và sự tin tưởng của nhân viên", Anphabe nhận định.
Vì vậy, việc cắt giảm nhân sự phải được thực hiện cẩn thận và tỉnh táo. Không nên chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn trước mắt mà ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Một hệ lụy nữa của thị trường khi cơn bão sa thải quét qua là môi trường làm việc trở nên vô cùng áp lực. Có đến 31% người lao động Việt Nam đang chịu áp lực thường xuyên.
Đáng lưu ý, tỷ lệ nhân viên bị căng thẳng trong nhóm bị cắt giảm là khoảng 29%, cao hơn so với tỷ lệ 23% ở nhóm nhân viên tại doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 43% ở nhóm "sống sót" sau cắt giảm.
Khảo sát cũng đã xác định 5 nhóm yếu tố chính dẫn đến căng thẳng đối với người đi làm như: Khối lượng công việc; tính chất công việc; kết nối; lương thưởng, ghi nhận và bất ổn nghề nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, dù nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, nhưng thị trường nhân lực Việt Nam vẫn rất sôi động và còn nhiều cơ hội.
Cụ thể, với mỗi 10 người bị cắt giảm, đã có 7 người tìm được công việc mới. Trong số 7 người này, chỉ có 1 người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn.
Việc tuyển dụng thành công tập trung ở các lĩnh vực bán hàng, tài chính... với mức tăng lương trung bình là 8,7%. Điều này cho thấy rằng việc bị sa thải đôi khi cũng là cơ hội để nhiều người có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp.
Đối với nhóm chưa tìm được việc, 2/3 trong số họ đang mở rộng tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực khác. Do đó, cắt giảm nhân sự trong ngành này cũng đồng nghĩa với việc cung cấp nguồn nhân lực bổ sung cho các ngành khác, trong đó 5 ngành đang có xu hướng gia tăng nhân sự là bảo hiểm, ngân hàng, giáo dục, công nghệ thông tin, y tế...