Hơn 8.600 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, báo cáo của 51/63 địa phương về tình hình lao động-việc làm trong những tháng đầu năm 2023 cho thấy, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến cắt, giảm việc làm.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp, chiếm 1% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc.
Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là gần 510 nghìn người, chiếm 3,4% tổng số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp.
|
Phỏng vấn trực tuyến lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: NGÂN ANH)
|
Trong thời gian tới, những khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh của các ngành chủ lực không được giải quyết triệt để thì sẽ làm gia tăng số lao động bị thất nghiệp. Điều này gây áp lực lớn đến vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp, chiếm 1% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc.
Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là gần 510 nghìn người, chiếm 3,4% tổng số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp.
Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội để thống nhất hành động, triển khai các nhiệm vụ giải pháp từ trung ương tới địa phương.
Đồng thời, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các Sở lao động-thương binh và xã hội chủ động phối hợp Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Song song với đó, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Có thể thấy, cơ bản các chính sách về lao động, việc làm đã được triển khai đồng bộ, góp phần phục hồi thị trường lao động và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động bị cắt giảm việc làm.
Cụ thể, người lao động trong doanh nghiệp khi thôi việc, mất việc làm được bảo đảm 4 chế độ (trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề, bảo hiểm y tế từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp).
Người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh được hỗ trợ vay vốn ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Người lao động được hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề.
Cùng với đó, nhiều giải pháp để kết nối cung-cầu lao động đã được triển khai. Các chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khác như chính sách về bảo hiểm xã hội, nhà ở cho công nhân, giảm nghèo… cũng được thực hiện.
Bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, địa phương còn có các chính hỗ trợ riêng, có lợi cho người lao động. Doanh nghiệp thường có thêm chính sách hỗ trợ thôi việc cho người lao động, trả lương ngừng việc cao hơn so với quy định. Cơ quan lao động tại địa phương tập trung vào việc nắm bắt tình hình để hỗ trợ hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, đa dạng các hình thức để tăng hiệu quả kết nối cung-cầu lao động hoặc có địa phương căn cứ vào tình hình thực tế có chính sách hỗ trợ người lao động riêng.
Như vậy, các chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội cho người lao động nói chung, người lao động bị cắt giảm việc làm nói riêng đã có và giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt cho người lao động.
Đẩy mạnh hơn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá, gốc rễ của vấn đề bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người lao động là sự phát triển kinh tế xã hội, là sự phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có phục hồi sản xuất kinh doanh thì mới tạo được việc làm cho người lao động. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hiện nay là hỗ trợ, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải.
Đó là các vấn đề như: tìm kiếm, phát triển thị trường hàng hóa; hỗ trợ về vốn, giảm các chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất, giảm thuế, lệ phí và các chi phí phải đóng góp của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh.
Trước mắt, đề nghị giảm đóng 1 năm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Dự kiến, tổng kinh phí giảm đóng ước khoảng 4.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng cần triển khai thực hiện các nhóm giải pháp về lao động việc làm, an sinh xã hội.
Cụ thể, cùng với triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ người lao động, việc hỗ trợ người sử dụng lao động cần được quan tâm.
Các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá các chính sách hiện tại để nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền về việc giảm các khoản đóng góp cho doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp,…
Trước mắt, đề nghị giảm đóng 1 năm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Dự kiến, tổng kinh phí giảm đóng ước khoảng 4.500 tỷ đồng.
Tiếp đó, rà soát, cập nhật các thông tin, tiêu chuẩn, quy định, chính sách mới về lao động của các quốc gia đối tác, thị trường chính trên thế giới để kịp thời truyền thông, hướng dẫn doanh nghiệp trong nước sớm thực hiện/chuyển đổi, tránh bị động.
Cùng với đó, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện và bảo đảm thực hiện các quy định về lao động, việc làm như chính sách thôi việc, mất việc, ngừng việc cho người lao động, chi trả các chính sách an sinh xã hội theo quy định để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động;
Hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận, thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Luật Việc làm 2013.
Giảm 50% lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và giảm 100% phí xác minh giấy tờ, tài liệu của tổ chức, cá nhân trong nước.
Bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, cần chú trọng hơn công tác hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động.
Trước hết, tổ chức nắm bắt diễn biến của cung-cầu lao động, đặc biệt nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng, ngành nghề, trình độ để có kế hoạch, giải pháp kết nối cung cầu lao động, khắc phục tình trạng nơi thì thiếu lao động, nơi thì thừa lao động.
Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên giao dịch việc làm để đem lại hiệu quả tốt nhất trong người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia.
Phối hợp các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn và ở các địa phương khác để tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương trong vùng, liên vùng trên toàn quốc;
Tập trung hoàn thành dự án Tăng cường kết nối cung-cầu lao động làm nền tảng cho giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại, trực tiếp kết nối giữa người lao động, người sử dụng lao động, không bị rào cản về không gian địa lý.
Nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm, đem lại chất lượng dịch vụ công về việc làm tốt nhất cho người lao động, người sử dụng lao động, tăng hiệu quả kết nối cung-cầu lao động.