Chỉ có 1.000/154.000 người đăng ký học nghề
Chị Thoa có 13 năm làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi, TPHCM). Tháng 7, Thoa nghỉ việc và được hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, ngay tháng 9, Thoa đã đi làm tại một xưởng may ở gần nhà. Để không bị ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, Thoa thỏa thuận với chủ xưởng là không tham gia bảo hiểm xã hội.
Tâm sự về quyết định của mình, Thoa nói: "Em vừa được nhận trợ cấp thất nghiệp hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, vừa có lương. Mà lương em cũng không bị trừ 8% tiền tham gia bảo hiểm xã hội nên thu nhập còn cao hơn khi làm công ty trước một chút".
Theo các chuyên gia về bảo hiểm, trường hợp như Thoa không hiếm gặp. Người lao động thường lựa chọn những lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến những rủi ro có thể xảy ra.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai thực hiện từ năm 2009. Mục tiêu của chính sách là hỗ trợ người lao động một phần thu nhập khi họ không may bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, nhiều người lao động lại nghĩ đây là khoản thu nhập gia tăng, định kỳ vài năm là nghỉ một lần để hưởng trợ cấp.
Trên diễn đàn lao động, câu hỏi "Làm sao để không bị cắt trợ cấp thất nghiệp khi đi làm trở lại?" được rất đông thành viên quan tâm. Nhiều người tận tình chia sẻ "bí quyết" vừa hưởng trợ cấp, vừa lãnh lương của mình.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, từ ngày 1/1 đến 31/11, cơ quan quản lý lao động đã tiếp nhận hơn 156.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 154.000 người lao động.
So với cùng kỳ năm 2022, số trường hợp nộp hồ sơ tăng gần 11% (hơn 14.000 người), có quyết định hưởng tăng hơn 11% (tăng gần 16.000 trường hợp).
Tuy nhiên, trong số gần 154.000 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ có hơn 1.000 người đăng ký học nghề để chuyển đổi công việc.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, cho biết trong 11 tháng qua, trung tâm đã tổ chức 134 sàn giao dịch việc làm, tư vấn cho khoảng 619.000 người lao động và giới thiệu việc làm cho 170.000 người.
Tuy nhiên, tình hình giải quyết việc làm cho người thất nghiệp rất khó khăn. Khó ở đây không phải là không có việc, mà là người thất nghiệp không muốn nhận việc.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục cho hay: "Hầu như người đến trung tâm làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp không có nhu cầu tìm việc làm. Mong muốn của người lao động là sau khi nhận hết trợ cấp thất nghiệp mới bắt đầu tìm kiếm việc làm".
Từ chối tìm kiếm việc làm vì đang hưởng trợ cấp
Theo bà Hạnh Thục, người mất việc nhận thấp nhất là 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là 12 tháng, hầu như họ đều muốn hưởng hết thời gian trợ cấp mới tìm việc khác. Ngay từ khi người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp, trung tâm đã tư vấn việc làm nhưng ít người quan tâm. Khi sắp hưởng hết thời gian, người lao động mới quan tâm đến công việc mà trung tâm giới thiệu.
"Tiếp cận người lao động trong thời gian người ta còn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì hầu như họ đều từ chối tìm kiếm việc làm. Đây cũng là thách thức của thành phố để đưa người thất nghiệp quay lại thị trường lao động", bà Hạnh Thục nói.
Tình trạng này đã xuất hiện từ lâu chứ không phải mới có trong năm nay. Cuối năm 2022, ông Hiền, giám đốc nhân sự một công ty may mặc từng chia sẻ việc bộ phận nhân sự của công ty đến cổng một doanh nghiệp may mặc khác phát tờ rơi tuyển dụng khi nghe tin doanh nghiệp này sa thải hơn 1.000 lao động.
Tuy nhiên, qua mấy ngày phát tờ rơi, chèo kéo người lao động, ông Hiền không tuyển được một lao động nào. Theo ông Hiền, cả ngàn người mất việc nhưng họ đều chờ lãnh trợ cấp thất nghiệp, không để ý đến việc tìm kiếm công việc mới.
Vào tháng 2, công ty TNHH Pouyuen Việt Nam có kế hoạch cắt giảm hơn 2.300 công nhân. Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng đã kết nối với 15 doanh nghiệp, chuẩn bị 3.200 vị trí việc làm để giới thiệu cho số công nhân bị cắt giảm trên nhưng khi tư vấn thì chỉ 46 lao động có nhu cầu tìm việc.
Khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho thấy, 40% lao động đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp có trình độ cao đẳng trở lên, hầu hết đều chủ động thỏa thuận với doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn để nghỉ ngơi chứ không phải mất việc. Sau đó, họ tự quyết định thời gian trở lại thị trường lao động khi nhận hết trợ cấp thất nghiệp.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trung tâm đang nghiên cứu đề xuất quy định người thực sự mất việc mới được nhận trợ cấp thất nghiệp khi sửa đổi Luật Việc làm. Còn hiện nay, những trường hợp người lao động đang làm việc mà mong muốn nghỉ việc, làm thủ tục nghỉ việc đúng quy định cũng được nhận trợ cấp thất nghiệp.