Thấp thỏm chờ... gọi tên
"Sáng hôm qua nghe đồng nghiệp nói công ty thông báo ai muốn nghỉ việc thì lên ký tên, sắp có đợt giảm nhân sự tiếp. Nghe xong… tụt huyết áp, choáng váng luôn, tối về bỏ cơm, ăn gì nổi nữa", chị Bích Tuyền (35 tuổi, quê tại tỉnh An Giang) thở dài tâm sự.
Từ đầu năm đến nay, không đêm nào chị Tuyền ngủ ngon khi vài bữa lại nghe tin đồng nghiệp thân thiết nằm trong danh sách giảm biên chế. Đồng nghiệp bị sa thải có người lớn tuổi, có người chỉ ngoài hai mươi, Tuyền không dám chắc mình sẽ được giữ lại.
"Đêm nào cũng nhìn trần nhà thiệt lâu, tự hỏi sao đời công nhân khổ quá. Đi làm mà lúc nào cũng sợ sẽ tới lượt mình bị đuổi", chị Tuyền chua chát nói.
Sống trong khu trọ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM, chị Tuyền chỉ tay về các phòng bên cạnh, nói: "Đây, phòng này có người đang mang thai nhưng bị giảm giờ làm. Tuần làm có vài buổi thôi. Còn phòng ở cuối, tuần trước không thấy đi làm nên chị ấy về quê cả tuần luôn".
Như lời chị Tuyền nói, hầu như các công nhân còn trụ lại tại con hẻm nổi tiếng là "thủ phủ" nhà trọ ở Bình Tân, đều bị giảm giờ làm hoặc không được tăng ca. Riêng chị Tuyền, có tháng chị chỉ được đến công ty làm từ 3-4 ngày/tuần. Ngày nhận phiếu lương, nhìn thấy con số chỉ hơn 7 triệu đồng, chị Tuyền không tin nổi vào mắt mình.
Sống tại căn trọ nhỏ cùng chồng và 2 con, chỉ tính riêng tiền học, tiền ăn của 2 đứa con, chị đã phải chi hơn 7 triệu đồng/tháng. Những ngày phải nghỉ việc, chị nhận hành về lột vỏ kiếm tiền, 5.000 đồng/kg. Vì không có kinh nghiệm, chị cố lắm cũng chỉ làm được khoảng 7 kg/ngày.
Làm công nhân đã 18 năm, số tiền tích cóp của chị chưa đầy 30 triệu đồng. Giờ đây, khi bị giảm giờ làm, giảm lương, chị sợ vợ chồng sẽ không trụ nổi ở Sài Gòn.
"Chồng tôi cũng vừa nghe thông báo công ty sẽ giảm biên chế trong tháng 10 nên chúng tôi lo lắm. Giờ kiếm việc khó, thất nghiệp không biết sống sao. Giờ nghe ai than đi làm mệt tôi buồn lắm, có được công việc lúc này đã là quý rồi", chị Tuyền nói.
Vỡ mộng "đời công nhân"
Cùng cảnh ngộ với chị Tuyền, chị Lam (công nhân may, 31 tuổi, quê tại tỉnh Tiền Giang) cũng không được tăng ca mấy năm nay. Mức lương cơ bản chỉ giúp chị sống tạm bợ qua ngày. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập mấy năm nay cũng bấp bênh nên phải gửi con về quê nhờ nhà nội chăm sóc.
"Giờ chờ khi nào bị công ty đuổi thì về quê ở với con luôn. Chồng tôi chắc sẽ vẫn ở đây làm tiếp, miễn sao có tiền nuôi con là được", chị Lam nói.
Tốt nghiệp trung cấp ngành dược, chị Lam bỏ nghề do lương thấp. Nghe nói làm công nhân lương cao hơn, chị nộp đơn xin việc ngay khi tốt nghiệp. Thế nhưng, làm nhiều năm, chị chợt "vỡ mộng" vì đồng lương bạc bẽo chỉ vừa đủ sống. Bỏ làm dược sĩ đi làm công nhân, giờ chị Lam mới ngậm ngùi nếm vị "đắng".
Không chỉ chị Lam, chị Bích Tuyền cũng từng rời quê vào năm 15 tuổi lên TPHCM lập nghiệp với bao niềm mơ ước đổi đời. Nhưng giờ đây, lo mỗi bữa ăn hàng ngày đã khó, chị chẳng dám mơ ước thoát khỏi cảnh sống trong căn trọ chưa đầy 20m2.
"Tha phương mất chục năm mà không mua nổi cái nhà để ở. Vợ chồng con cái cứ sống cảnh nghèo không biết đến khi nào. Tôi thì không dám về quê, vì sợ người ta nói xa quê mất chục năm mà lại về tay trắng", chị Tuyền nghẹn ngào.
Cách đây vài tuần, chị Hương (29 tuổi, ngụ phường Tân Tạo, Bình Tân) nhận quyết định cho thôi việc sau gần 10 năm gắn bó ở công ty. Chị có hai người con, con nhỏ nay 2 tuổi, con lớn thì sắp vào lớp 2. Chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào đồng lương của chồng.
"Một tháng chị phải chi trả hơn 2 triệu đồng tiền trọ, ăn uống một ngày cũng hơn 200.000 đồng. Tiền học của con cũng hơn 3 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền tã sữa. Nay mất việc rồi không biết phải làm sao, cũng nghĩ tới chuyện về quê rồi", chị chia sẻ.