Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 28.429 người (trong đó có 9.452 lao động nữ), đạt 25,84% kế hoạch năm 2023 và bằng hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái (2 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 1.359 lao động).
Đài Loan vượt lên là thị trường dẫn đầu về số lao động Việt được tiếp nhận với 14.609 lao động (4.718 lao động nữ), theo sau là Nhật Bản với 12.473 lao động, Singapore 250 lao động (nam), Trung Quốc 239 lao động (nam), Hàn Quốc 230 lao động (nam), Rumani 198 lao động, Hồng Kông 123 lao động (nam), Hungari 80 lao động, số còn lại thuộc các thị trường khác.
Tính riêng trong tháng 2/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 6.601 người (2.626 lao động nữ). Con số này cao hơn 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 2/2022 là 500 lao động, trong đó 43 lao động nữ).
Sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngoài nước đã gần như phục hồi, các thị trường lao động ngoài nước từng bước được mở cửa và trở lại bình thường, một số thị trường tiếp nhận lao động truyền thống và trọng điểm đều dấu hiệu khởi sắc.
Đơn cử như năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 142.000 người, đạt 158,64 % kế hoạch được giao (90.000 lao động). Trong năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra mục tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia Châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.
Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài. Qua đó để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.