Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) Thái Thị Bạch Lan cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh đào tạo 9 lớp cho 270 học viên, kinh phí hỗ trợ trên 560 triệu đồng.

Điển hình như, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang phối hợp Trại giam Định Thành (Bộ Công an) tổ chức 5 lớp đào tạo trình độ sơ cấp (1 lớp xây dựng dân dụng; 4 lớp may dân dụng) cho 150 người sắp chấp hành xong án phạt tù, tổng kinh phí trên 280 triệu đồng từ Bộ Công an. Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú phối hợp Cơ sở cai nghiện ma túy đào tạo 4 lớp nghề xây dựng dân dụng trình độ sơ cấp cho 120 học viên sắp hết thời gian cai nghiện ma túy, tổng kinh phí hỗ trợ trên 280 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Sinh hoạt ngoài trời ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh

Sinh hoạt ngoài trời ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh

Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức 6 buổi tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho 460 người. Qua đó, góp phần định hướng cho họ chọn ngành, nghề học, thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nắm bắt cơ hội việc làm trước khi trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Đơn vị còn phối hợp Công an TP. Long Xuyên tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho 72 người chấp hành xong án phạt tù, đang sinh sống trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh An Giang Nguyễn Ngọc Ngời, cơ sở đang quản lý 824 người (cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện). Năm 2023, ngoài số học viên được cấp chứng chỉ nghề xây dựng dân dụng, đơn vị ký kết hợp đồng, tổ chức gia công đan thảm lục bình cho 83 học viên. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Cơ sở còn phối hợp tốt với Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, xét giảm cho 136 học viên tái hòa nhập cộng đồng đúng quy định.

Hiện nay, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù còn gặp một số khó khăn, khi quá trình phối hợp giữa các ngành chức năng, địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên. Một số địa phương chưa quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

“Định kiến xã hội và tâm lý mặc cảm là trở ngại khá lớn đến hoạt động lựa chọn học nghề, tìm việc làm đối với người điều trị cai nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù. Sau khi trở về cộng đồng, họ không đăng ký nhu cầu học nghề, tư vấn việc làm, hoặc ít trở về địa phương sinh sống. Ngược lại, họ thường đi sang địa phương khác để làm việc, tái thiết cuộc sống mới. Mặt khác, một số chính sách hỗ trợ còn mang tính giải quyết khó khăn trước mắt. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch hỗ trợ thiết thực, như: Giúp đỡ về cơ sở vật chất, cho vay vốn để đối tượng tự tạo việc làm tại địa phương” - bà Thái Thị Bạch Lan chia sẻ.

Thời gian tới, các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm cho người sắp chấp hành xong án phạt tù, học viên sắp hết thời gian cai nghiện ma túy; tập trung tuyên truyền, ưu tiên nguồn vốn về giải quyết việc làm để hỗ trợ tạo việc làm đến người lao động, trong đó có người chấp hành xong án phạt tù. Ngoài ra, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt xây dựng mô hình tái hòa nhập cộng đồng, nhằm huy động sự tham gia ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Bởi, trở về với cộng đồng không chỉ là mong muốn của người một thời lầm lỗi, mà cũng là kỳ vọng của cả xã hội, góp phần mang lại sự bình yên chung.

 
Theo Hoài Anh (Báo An Giang)