Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được kiện toàn, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN, gồm: 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN, 11 cơ sở tham gia đào tạo nghề. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm GDNN công lập cấp huyện luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp ngày một khang trang, rộng rãi, với hệ thống phòng học, xưởng thực hành, sân chơi, phòng chức năng. Từ đó, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, thực hành nghề, nghiên cứu khoa học và vận hành các hoạt động khác của nhà trường.

 

 

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế An Giang nghe giảng bài

Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, còn có sự tham gia của xã hội, cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế vào hoạt động đào tạo nghề. Một số doanh nghiệp (DN) tư nhân có sự quan tâm nhất định, tiến hành đầu tư vào công tác GDNN, góp phần phát triển sự nghiệp đào tạo nghề của tỉnh. Thầy Nguyễn Thanh Hải (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang) cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025, trường được UBND tỉnh đầu tư cải tạo mô hình nhà hàng khách sạn theo chuẩn 5 sao ( đào tạo ngành quản trị nhà hàng, khách sạn và du lịch cho sinh viên); trang bị máy móc, thiết bị cho ngành công nghệ ôtô, điện công nghiệp và điện lạnh”.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, thị trường lao động, cơ sở GDNN thường xuyên rà soát, cập nhật kiến thức, kỹ năng để hoàn thiện chương trình đào tạo ở các cấp trình độ, rà soát nhu cầu tuyển dụng của DN, thị trường lao động để có hướng cập nhật, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh của DN; xây dựng chương trình, giáo trình có tính liên thông giữa các cấp trình độ; chú trọng thực hành, năng cao kỹ năng tay nghề cho người học. Thầy Trương Trung Nghi (Trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tế Trường Cao đẳng Y tế An Giang) cho biết: “Thời gian qua, trường chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới. Đến nay, toàn trường có gần 70% giảng viên đạt trình độ sau đại học (thạc sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2). Đồng thời, trường phối hợp với các bệnh viện lớn trong tỉnh, tạo điều kiện thực tập tốt nhất, giúp sinh viên học tập hiệu quả cao”.

Công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện. Các cơ sở GDNN chủ động, đổi mới hoạt động tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh bằng nhiều hình thức, như: Hội thảo; ngày hội tư vấn hướng nghiệp; cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tại trường… Các địa phương đẩy mạnh tổ chức phiên giao dịch việc làm gắn với tư vấn tuyển sinh học nghề, giúp học sinh tiếp cận cơ hội nghề nghiệp, việc làm qua việc gặp gỡ cơ sở GDNN, công ty, DN.

Đồng thời, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN phối hợp trường THCS, THPT tổ chức hoạt động định hướng nghề nghiệp, việc làm. Qua đó, giúp học sinh, phụ huynh nhận thức việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn tiếp tục học tập tại cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tập tại cơ sở GDNN trình độ cao đẳng. Thầy Cao Văn Thích (Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang) cho biết: “Hàng năm, trường phối hợp phòng giáo dục huyện Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn và TX. Tịnh Biên tư vấn tại trường, tại lớp. Ngoài ra, tổ chức cho các em tham quan cơ sở vật chất của trường, tham gia buổi học thực tế, để các em hiểu rõ hơn về nghề nghiệp sẽ chọn trong tương lai”.

Những cách làm hiệu quả đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của phụ huynh, học sinh, sinh viên và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề nghiệp. Từ đó, góp phần giúp công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp ngày càng hiệu quả; số lượng học sinh, sinh viên học nghề tăng qua từng năm. Giai đoạn 2013 - 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề khoảng 256.494 người học. Trong đó, trình độ cao đẳng 9.031 sinh viên; trung cấp 13.278 học sinh; sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng 234.169 học viên. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 68%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%; từng bước đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của DN và thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

 
Theo Trọng Tín (Báo An Giang)