Theo chương trình Kỳ họp thứ V, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thảo luận tại tổ TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. Dù vậy, ông trăn trở khi thực tế hiện nay nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng về hưu lương không đủ sống.

Đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng lương hưu không đủ sống
Thảo luận tại tổ TP. Hồ Chí Minh sáng 25/5

Bài học cải cách tiền lương trên cơ sở mục tiêu gì? Vừa qua thành phố Hồ Chí Minh đã phỏng vấn nhiều công nhân, chúng tôi gặp và người lao động cũng đã phản ánh rất nhiều, đó là: Nhiều người lao động có thể đi làm đủ 30 năm ở doanh nghiệp, đóng đủ hết tiền bảo hiểm xã hội, nhưng đến khi về hưu, nhận lương hưu 2,5 triệu - 3 triệu/tháng, không đủ sống, lại phải đi làm thêm để trang trải”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Nhân đề nghị cải cách tiền lương nên xác định rõ mục tiêu: “Bổ sung trong quá trình xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, phải xác định mức tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu, nếu không sau đó, công chức sẽ rất khó khăn, mà đặc biệt là người lao động”.

Chúng tôi gặp cử tri ở quận Bình Tân, xót xa lắm, có những người lao động mấy chục năm, thậm chí Phó Chủ tịch Công đoàn quận khi nghỉ hưu nhận lương hưu 2,5 triệu - 3 triệu đồng, lại phải đi làm thêm vì không đủ sống... Chúng ta cần phải xem lại!”, ông Nhân chia sẻ.

Ông Nhân cũng đề nghị, thời gian qua, kinh tế cũng phát triển nhiều thành tựu hơn, GDP bình quân đầu người đã trên 4.000 USD/người, phải xác định lại nguyên tắc trả lương cho người lao động.

Quan trọng nhất, phải xác định mức tiền lương tối thiểu làm sao đảm bảo mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình, họ còn nuôi con, cha mẹ mình lúc về già.

Cũng quan tâm về vấn đề này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân.

Tuy nhiên, bà Lan thẳng thắn cho rằng việc tăng lương không chỉ phụ thuộc vào cơ quan bảo hiểm cân đối, mà thực tế mức đóng bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp, nhưng muốn tăng lên không dễ.

Theo bà Lan, với mức đóng khá thấp như hiện nay và đã chia ra nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động. Nhưng đôi khi người phải đóng bảo hiểm còn “xù” không đóng, cơ quan bảo hiểm không làm được gì.

Không chỉ những người về hưu, ngay cả người đang lao động như bác sĩ, dược sĩ mới ra trường, lương cũng không đủ sống.

Chúng ta cứ cải cách tiền lương bằng cách nâng mức lương cơ bản, mỗi lần tăng thêm vài trăm ngàn cho 1 hệ số. Những người mới đi làm hệ số thấp nên số tiền tăng lên cũng không nhiều, không có tích lũy. Trong khi đây là những người cần tích lũy vốn để lấy vợ, lấy chồng, sinh con… Trong khi những người đột phá cống hiến nhiều, nhưng còn trẻ thì hệ số lương vẫn thấp, không bằng người lao động 'lão làng' nhưng không có gì xuất sắc, làm việc bình thường. Như vậy, chúng ta vẫn bị “chủ nghĩa bình quân”, đại biểu Phong Lan chỉ rõ.

BHXH Việt Nam cho biết, giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109 nghìn người). Trong đó, có khoảng 420 nghìn người đạt tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, chiếm tỉ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí.

Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước).


Theo Thu Hường - Quỳnh Nga (Báo Công Thương)