Lao động giảm lương

Khảo sát ý kiến của hơn 1.000 người lao động và 500 doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất của Navigos Group cho thấy, phần lớn người lao động trong ngành này đối mặt với việc cắt giảm 30-50% lương.

Theo thống kê, có 58% người lao động bị cắt giảm 30-50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10-30% tổng lương.  Chỉ có 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% tổng lương.

Bên cạnh đó, họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.

Lao động ngành nào đang bị cắt giảm đến 50% lương? - 1

Nhiều lao động bị giảm lương do tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh này, phần lớn người lao động lựa chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt và nâng cao kỹ năng, tay nghề để ứng phó với khó khăn.

Khảo sát cho thấy có 60% người lao động chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt để ứng phó khó khăn, 37% làm thêm bên ngoài và chỉ có 3% chọn cách tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, người lao động cũng chọn cách nâng cao kỹ năng và tay nghề để duy trì lợi thế cạnh tranh. Phần lớn người lao động chọn nâng cao kỹ năng quản lý (39%), kỹ năng quản lý tài chính (29%) và kỹ năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất (24%).

Doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi

Theo Navigos Group, đa số doanh nghiệp (39%) đều dự đoán sẽ mất đến 12 tháng hoặc thậm chí hơn 12 tháng thị trường mới có thể phục hồi trở lại. Chỉ có 8% đơn vị cho rằng kinh tế sẽ phục hồi sau 3 tháng.

Như vậy, theo tình hình chung của thị trường, doanh nghiệp đang dự đoán việc phục hồi kinh doanh chưa thể diễn ra nhanh chóng. Nắm bắt tình hình chung này, các đơn vị cũng có cơ sở để đưa ra những đối sách phù hợp hơn.

Trước thực trạng trên, phần lớn doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tận dụng thời gian để cải thiện năng suất và đón đầu thị trường. Bên cạnh đó, chỉ số ít doanh nghiệp tập trung duy trì hoạt động kinh doanh tối thiểu.

Khảo sát của Navigos Group cho thấy, các doanh nghiệp về cơ bản thực hiện hai chiến lược để ứng phó với giai đoạn khó khăn hiện nay. Đó là tận dụng thời gian để thực hiện các giải pháp cải thiện năng suất nhằm đón đầu thị trường sau khủng hoảng hoặc đảm bảo hoạt động kinh doanh tối thiểu.

Lao động ngành nào đang bị cắt giảm đến 50% lương? - 2

Các doanh nghiệp lĩnh vực thuộc ngành dệt may, giày da vẫn khó khăn về đơn hàng (Ảnh minh họa: Hải Long).

Trong đó, chiến lược "đón đầu thị trường" là nổi trội hơn cả khi được phần lớn các doanh nghiệp ở các ngành chủ động thực hiện.

Với ngành dệt may, da giày, có 69% doanh nghiệp tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện các giải pháp cải thiện năng suất nhằm đón đầu thị trường.

Bên cạnh đó, cũng có 64% doanh nghiệp trong ngành dược phẩm, công nghệ sinh học tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện các giải pháp cải thiện năng suất.

Mặt khác, ngành công nghệ cao, ngành sản phẩm công nghiệp, ngành sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành khác đều không có sự chênh lệch tỷ lệ quá lớn ở doanh nghiệp lựa chọn đón đầu thị trường hay đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh.

Hầu hết doanh nghiệp Sản xuất đẩy mạnh áp dụng tự động hóa, đặc biệt ở khâu sản xuất.

Doanh nghiệp ở các ngành thuộc lĩnh vực sản xuất đều có khuynh hướng áp dụng tự động hóa vào khâu sản xuất, thể hiện qua 25-82% lựa chọn. Theo sau đó, 5-75% doanh nghiệp khác mong muốn áp dụng tự động hóa vào hầu hết các khâu.

Cụ thể, ngành công nghệ cao có 52% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa cho tất cả các khâu. Bên cạnh đó, ngành dệt may, da giày cũng có 60% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa cho khâu sản xuất. 

Theo Lê Thanh Xuân (Báo Dân Trí)