Theo báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2022 của Chính phủ, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 929.000 người so với năm 2021, tương đương với mức tăng 6,94%, chiếm 31,13% lực lượng lao động trong độ tuổi.
LAO ĐỘNG HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP CHỌN HỌC NGHỀ CÒN KHIÊM TỐN
Trong năm 2022, đã có hơn 983.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 22,68% so với năm 2021, trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 975.000 người, tăng trên 27% so với năm 2021.
Trên cả nước có 2,2 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, bằng 226,2% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tỷ lệ này tăng 3% so với năm 2021 (223,2%).
Tuy nhiên, số người được hỗ trợ học nghề chỉ hơn 21.800 người, bằng 2,24% so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (tỷ lệ này giảm 0,16% so với năm 2021 (2,4%)).
Trong nửa đầu năm 2022, theo báo cáo từ các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố, số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 562.000 người, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 518.000 người, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1,1 triệu lượt người, song số người được hỗ trợ học nghề chỉ hơn 11.200 người.
Ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của năm 2022 chuyển sang năm 2023 là hơn 59,3 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,8 lần với số phát sinh giảm của năm 2023 (ước theo kế hoạch).
Kết dư quỹ lớn, song người thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu tập trung vào nhóm nhận trợ cấp, số tham gia học nghề còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Theo các chuyên gia, chính sách chưa hấp dẫn, mức hỗ trợ học nghề thấp khiến người lao động chưa mặn mà.
Nhiều năm theo dõi lĩnh vực lao động, việc làm, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết thực tế là có trường hợp người lao động đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm không thiết tha với 3 chế độ đầu của bảo hiểm thất nghiệp, mà chỉ muốn được hưởng trợ cấp.
Ngoài ra còn là vấn đề tái hoà nhập thị trường lao động. Những người hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã có kinh nghiệm lao động, song vì gánh nặng mưu sinh lớn, nếu không tái hoà nhập thị trường lao động, mà chỉ nhìn thấy lợi nhỏ trước mắt thì có khả năng sẽ làm sai lệch, không phát huy được vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
“Cần nhanh chóng hỗ trợ họ tái hoà nhập thị trường lao động chứ không phải chỉ trợ cấp tiền để tạo nguồn thu nhập nào đó cho người lao động”, chuyên gia nêu ý kiến.
GIA TĂNG QUYỀN LỢI ĐỂ THU HÚT NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA
Theo Luật Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Mặc dù hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm 4 chế độ là: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, song trợ cấp thất nghiệp là chế độ được người lao động tham gia thụ hưởng nhiều nhất.
Theo quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động bằng 60% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc. Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian đóng. Người lao động đóng từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, cứ thêm 12 tháng đóng thì được thêm 1 tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng trợ cấp.
Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt quan hệ lao động, nếu có nhu cầu thì người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại bất cứ Trung tâm Dịch vụ việc làm nào thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành phố.
Thời gian qua, nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà rất nhiều người lao động đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, trong lần sửa đổi Luật Việc làm tới, người lao động mong muốn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; mở rộng đối tượng tham gia; tăng quyền lợi như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề. Người lao động cũng kiến nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Luật Việc làm dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, và Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Ủy ban Xã hội sẽ nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của người lao động trong quá trình thẩm tra dự án Luật.