Chật vật tìm việc làm
Hơn 1 năm kể từ ngày nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cũ, chị Võ Thị Ánh (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) vẫn loay hoay tìm việc làm. Trước đây, chị làm công nhân tại công ty POLTS Việt Nam với mức lương từ 10 triệu đồng. Tuy nhiên, 1 năm qua do công ty thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động khiến chị thất nghiệp trở về quê.
Từ ngày thất nghiệp đến giờ, chị Ánh cũng không nhớ nổi mình đã phải thay đổi bao nhiêu công việc tạm bợ, từ rửa bát ở quán ăn, phụ giúp việc nhà… để trang trải cuộc sống. “Nơi có mức lương cao chỉ tuyển lao động dưới 35 tuổi, trong khi tôi đã qua tuổi 45. Giờ ai thuê gì làm đó chứ tôi không có lựa chọn nào khác” - bà Ánh cho biết.
Đồng lương phụ hồ tuy không cao nhưng biết chi tiêu hợp lý nên cuộc sống gia đình anh Nguyễn Công Lý (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) lâu nay cũng ổn định. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kinh tế khó khăn, nhiều công trình xây dựng phải dừng lại, nhiều lao động tự do như anh Lý lao đao. “Tôi chạy đôn chạy đáo tìm kiếm công việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ mang tính chất thời vụ nhưng đều nhận được câu trả lời chưa có nhu cầu. Ít công trình xây dựng, việc phụ hồ bữa có bữa không nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn” - anh Lý nói.
Cùng chia sẻ, bà Lê Bích Phượng - 50 tuổi, trú tại TP Bạc Liêu cho biết, 2 năm nay bà ngừng việc ở công ty về quê mong muốn tìm kiếm công việc phù hợp để trang trải cuộc sống, lo cho gia đình mà khó quá. Năm sắp hết, Tết sắp đến mà bà cũng chưa biết lo cho gia đình thế nào chỉ biết hy vọng sang năm tình hình kinh tế đỡ hơn.
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động
Nhiều doanh nghiệp khó khăn kéo dài, ít tuyển dụng dẫn đến người lao động rất khó tìm việc làm mới sau khi mất việc hoặc nghỉ chờ việc dài ngày. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng, cơ sở do kinh doanh không thuận lợi nên thu hẹp quy mô kinh doanh, thậm chí phải đóng cửa do không kham nổi chi phí khiến số lượng lao động thất nghiệp ngày càng tăng.
Nhằm giúp lao động trong tỉnh có việc làm, tạo thu nhập ổn định, thời gian qua, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn, mất việc làm. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân tặng nhu yếu phẩm, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, vận động miễn và giảm tiền thuê phòng trọ cho những lao động nghèo…
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2023, đã giải quyết việc làm cho 21.154 người, tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh 4.067 người và ngoài tỉnh 17.087 người.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận hơn 6.320 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở các ngành, nghề như dệt may, giày da, chế biến thủy sản, hải sản. Đa số người lao động bị cắt giảm là lao động không có tay nghề và lớn tuổi. Để hỗ trợ kết nối, Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, tăng cường tư vấn việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại, qua website, Facebook, Zalo, Fanpage,…
Ông Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện Trung tâm liên kết với tất cả các trung tâm dịch vụ việc làm trong khu vực để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các tỉnh nhằm giới thiệu cho người lao động.
“Giải pháp tốt nhất hỗ trợ người lao động bị mất việc tạm thời hoặc bị sa thải hiện nay chủ yếu là dựa vào công tác giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề mới. Trong trường hợp người lao động có nhu cầu về quê sinh sống thì hướng dẫn cho người lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương để hưởng trợ cấp” - ông Vũ cho biết.
Công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ đầu năm tới nay lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tăng chậm do doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp ít.