Nhiều bẫy tuyển dụng nhắm vào sinh viên, lao động trẻ
Chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo tuyển dụng, lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin hoặc đến trực tiếp các đơn vị kết nối việc làm chính thống. Ảnh: Quỳnh Chi

Dẫn dụ tinh vi

Nguyễn Văn Quý (sinh năm 2005, quê ở Hà Tĩnh) -sinh viên năm thứ 2 Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội) - vẫn chưa hết bức xúc khi kể lại câu chuyện bị lừa đảo khi tìm việc làm thêm trên mạng.

Quý cho hay, ngay từ năm thứ nhất đại học, để có thêm chi phí sinh hoạt đỡ đần cho gia đình, em đã quyết tâm đi làm thêm. Ban đầu, Quý đăng ký làm gia sư môn Toán, Lý thông qua một trung tâm gia sư ở phường Hà Đông. Sang năm 2 đại học, muốn nâng cao thu nhập, Quý lên mạng tìm việc “đứng lớp” ở các lớp ôn thi, kèm học sinh thi đại học.

“Lần mò cả buổi sáng, em ưng một trung tâm giới thiệu là của các thầy cô Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Dù cẩn thận tìm hiểu thông tin nhưng đọc nhiều comment khen chất lượng, đăng ký học, em thấy khá tin tưởng. Sau khi nói chuyện qua tin nhắn Facebook với người tự xưng là “nhân viên trung tâm”, em càng an tâm hơn vì trung tâm yêu cầu kiểm tra 2 vòng chất lượng đầu vào mới quyết định có nhận em hay không…” - Quý kể lại.

Sau vài vòng “phỏng vấn online”, Quý được hẹn ngày “ứng tuyển trực tiếp” với lời dặn sẽ phải làm bài kiểm tra 30 phút do các thầy/cô trưởng các bộ môn của trung tâm trực tiếp phụ trách. Nếu được tuyển dụng đứng lớp, thu nhập của Quý có thể đạt 8.000.000 đồng/tháng. Còn cách ngày kiểm tra 2 hôm, Quý được thông báo đóng 500.000 đồng tiền cọc để “tổ chức kiểm tra”, khoản tiền này sẽ được hoàn trả nếu Quý trúng tuyển.

“Tin tưởng, em chuyển khoản 500.000 đồng cho tài khoản có tên “Trung tâm luyện thi T.M.S.P”. Sau khi chuyển khoản thành công, em lập tức bị chặn tin nhắn. Ngay lúc đó, em hiểu ra mình đã bị lừa. Chỉ không ngờ những kẻ lừa đảo kỳ công xây dựng các trang thông tin y như thật, đưa ra những yêu cầu, nội dung rất hợp lý khiến em không đề phòng” - Quý cho hay.

Chị Lê Thị Nhung (sinh năm 2000) là nhân viên thu ngân của một siêu thị điện máy ở phường Tây Mỗ (Hà Nội). Chưa lập gia đình, công việc làm ca còn thời gian rảnh nên chị Nhung có nhu cầu tìm việc làm thêm.

Tìm hiểu trên mạng xã hội, chị Nhung như lạc vào mê trận bởi chỉ cần gõ thông tin tìm việc, hàng nghìn kết quả hiện ra. Từng được bạn bè cảnh báo về các chiêu lừa đảo trên mạng, chị Nhung cẩn trọng và tìm hiểu kỹ thông tin. Dù đã hết sức né những câu chào mời như: "Tuyển cộng tác viên bán hàng online, lương 10 triệu đồng/tháng", "Tuyển nhân viên cắt chỉ hàng may, thu nhập 250.000 đồng/ngày"... nhưng chị Nhung không ngờ mình dễ dàng rơi vào “bẫy”.

“Tôi vào một hội nhóm tìm việc, được cho một link việc làm tại nhà, thông tin ban đầu rất dễ chịu: không đặt cọc, việc không nhẹ, lương theo năng lực… khiến tôi tin tưởng. Hỏi thêm thông tin từ người tự xưng là “nhóm trưởng”, tôi được cung cấp nội dung công việc sẽ làm nhân viên tư vấn online, lương theo giờ làm thực tế là 30.000 đồng/giờ, chia thêm hoa hồng nếu có khách chốt mua hàng. Về mặt hàng, “nhóm trưởng” nói là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tôi không cần đến “trụ sở công ty” mà chỉ cần tư vấn qua tin nhắn Facebook. Tôi đồng ý” - chị Nhung nói.

Chị Nhung không thể ngờ, ngay sau khi nhận việc, mỗi ngày có hàng chục tin nhắn nhờ chị tư vấn sản phẩm sữa, nước sâm, viên dinh dưỡng… Đến ngày thứ 4, chị Nhung có đơn đặt hàng đầu tiên trị giá 2.000.000 đồng. Nhẩm tính hoa hồng được 200.000 đồng, chị Nhung phấn khởi vì không nghĩ nhanh chóng hái “quả ngọt” từ công việc mới.

Thế nhưng, ngay khi có người đặt hàng, “nhóm trưởng” yêu cầu chị chuyển khoản 50% giá trị đơn hàng để được giao hàng, 50% còn lại thanh toán sau khi khách hàng chuyển khoản. Trong đó, “công ty” chỉ lấy 80% tổng giá trị đơn hàng, chị Nhung được 20%. Dù có chút băn khoăn, nhưng chị Nhung cho hay, lúc ấy như bị dẫn dụ, cứ làm theo hướng dẫn. Đặc biệt, tên tài khoản nhận tiền không phải tên cá nhân mà là tên “công ty” nên chị Nhung làm theo…

“Cuối cùng, tôi bị lừa 1.000.000 đồng quá đơn giản. Dù đã đề phòng, tôi vẫn mất tiền theo cách chính tôi vẫn đề phòng” - chị Nhung nói.

Nâng cao cảnh giác

Ông Bùi Đình Huy - Giám đốc Công ty Nhân lực & Thương hiệu An Huy - cho hay, các chiêu lừa đảo liên quan đến việc làm luôn biến thiên theo diễn biến của thị trường lao động. Các đối tượng thường lừa đảo rất tinh ranh, thường vừa nhắn tin vừa dò đọc tâm lý của “con mồi”. Với những người có vẻ “rắn”, chúng sẽ không đòi hỏi chuyện đặt cọc ngay mà đưa ra những nội dung liên quan đến yêu cầu công việc có vẻ rất nghiêm túc. Đa số đối tượng lừa đảo nhắm đến sinh viên và lao động trẻ vì đây là nhóm cần việc làm, không có thu nhập khác hoặc không có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn.

"Người lao động phải nâng cao cảnh giác, tìm hiểu tất cả các thông tin liên quan đến công việc, doanh nghiệp... trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đặc biệt các nội dung liên quan đến chuyển khoản để đảm bảo giao dịch nào đó," ông Huy cảnh báo.

Cảnh báo người lao động cần thận trọng khi tìm việc, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - khuyến cáo, người tìm việc, đặc biệt là sinh viên, lao động trẻ cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức về pháp luật lao động, kỹ năng kiểm chứng thông tin.

“Người có nhu cầu tìm việc nên xác minh kỹ thông tin nhà tuyển dụng qua website chính thức, gọi điện đến tổng đài hoặc tốt nhất nên đến tận nơi theo địa chỉ công bố để tìm hiểu thực tế. Tất cả các yêu cầu liên quan đến việc chuyển khoản đặt cọc cần phải được xác minh trực tiếp. Bên cạnh đó, lao động nên tìm việc qua các kênh chính thống, cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị chuyên môn về môi giới việc làm” - ông Thành nhấn mạnh.

 
Theo Quỳnh Chi (Báo Lao Động)