Những kỹ năng

Những kỹ năng "sống còn" giúp người lao động tránh vòng đào thải

Lao động cao còn thấp

Mới đây Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với ManpowerGroup Việt Nam khảo sát thực trạng và nhu cầu kỹ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021- 2023.

Kết quả, cho thấy 46% lao động trong các doanh nghiệp FDI đang làm các công việc kỹ năng giản đơn. Tỷ lệ này đặc biệt cao trong các ngành lắp ráp ôtô, xe máy, may mặc, và điện tử.

Khoảng 1/3 lao động đang làm các công việc có kỹ năng trung bình và kỹ năng thấp.

Và chỉ có 5% người lao động có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc và chỉ có 11,67% người lao động có tay nghề kỹ năng, chuyên môn cao.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động cắt giảm lao động không phải liên quan đến vấn đề tay nghề của người lao động mà do bị thiếu đơn hàng.

Song, khi phải cắt giảm lao động, việc doanh nghiệp sẽ thay thế lao động chân tay, trình độ thấp. Lao động có trình độ cao được ưu tiên giữ lại, bởi họ có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc hơn.

Kỹ năng mềm giúp người lao động thích nghi trong mọi điều kiện

Theo khảo sát của ManpowerGroup, những kỹ năng mềm được doanh nghiệp mong đợi nhiều nhất ở người lao động bao gồm: tính kỷ luật, khả năng thích nghi, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập luận và giải quyết vấn đề, khả năng phân tích,…

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành Toàn quốc, Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, thế giới công việc liên tục thay đổi. Nếu người lao động không chịu khó theo dõi xu hướng của thị trường, đồng thời trau dồi, cập nhật những kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp mới thì sẽ khó được tuyển dụng, phát triển trong tổ chức và dần dần sớm bị đào thải khỏi thị trường.

Kỹ năng mềm giúp người lao động trong bất cả ngành nghề, lĩnh vực nào làm việc thuận lợi, hiệu quả và đạt năng suất cao hơn trong môi trường việc làm linh hoạt như hiện nay.

Các doanh nghiệp sẽ không chọn lao động giá rẻ như trước đây mà thay vào đó là lao động có sức cạnh tranh, có kỹ năng sử dụng các công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ dẫn đến nguồn nhân lực của chúng ta gặp không ít khó khăn nếu không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thiếu hụt kiến thức và hàng loạt kỹ năng như tư duy nhận thức, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, sáng tạo hay các kỹ năng mang tính xã hội như kết nối, giao tiếp, ứng xử, tạo lập quan hệ, làm việc theo nhóm.

Bà Ngân nhấn mạnh thêm, bên cạnh kỹ năng, tay nghề, có nhiều yếu tố khác tác động đến năng suất lao động, như việc ứng dụng công nghệ thông tin, dây chuyền sản xuất kỹ thuật cao để mà đưa vào năng suất lao động. Chính vì vậy, không thể giao toàn bộ năng suất lao động vào tay nghề của người lao động, mà phụ thuộc vào các yếu tố đầu tư, tổ chức, quản lý sắp xếp dây chuyền, quản lý người lao động ở các doanh nghiệp. Vì vậy, muốn nâng cao năng suất lao động cần tổng hòa nhiều yếu tố.

Theo ông Sơn, người lao động có nhiều hình thức để trau dồi kiến thức, kỹ năng, như đào tạo tại chỗ, tham gia các khóa học, hội thảo chuyên môn trực tuyến, trực tiếp, đào tạo vừa học vừa làm…

Bên cạnh đó, lãnh đạo ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển chất lượng nhân lực trong tổ chức thông qua các chương trình đào tạo nội bộ. Hoặc hợp tác với các trường học, cơ sở đào tạo, các tổ chức nghề nghiệp để tổ chức các buổi hội thảo cập nhật về ngành nghề, huấn luyện kỹ năng thậm chí tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp

Điều này không chỉ đóng góp vào giá trị cộng đồng, giúp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhóm lao động trẻ tiềm năng và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của mình.

 
Theo Nguyễn Vũ (Báo Kinh tế & Đô thị)