Báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người. Trong đó, 51,3 triệu lao động có việc làm, tăng 683.000 người so với năm 2022.

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,5%, đạt mục tiêu cả năm dưới 4%.

Bên cạnh điểm sáng là thị trường lao động phục hồi, Cục Việc làm cho biết, thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động. Điều này thể hiện qua số lao động làm các công việc thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Thấy gì từ con số 38 triệu lao động chưa qua đào tạo ở Việt Nam? - 1

Lao động làm việc bấp bênh, thiếu tính ổn định lớn (Ảnh minh họa: Hải Long).

Cụ thể, số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản) trong quý III/2023 là 33,4 triệu người, tăng 355.800 người so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, khoảng 38,3 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Vì vậy, chất lượng cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, 

Theo Cục Việc làm, con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động, đặc biệt trong việc xây dựng các chương trình, chính sách đào tạo trong thời gian tới.

Cục Việc làm cũng nhận định, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Bên cạnh đó, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết của Cục Việc làm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, đơn vị thường xuyên có những trao đổi để gắn kết giữa cung và cầu lao động.

Thấy gì từ con số 38 triệu lao động chưa qua đào tạo ở Việt Nam? - 2

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Vũ Quốc Bình (Ảnh: Văn Quang).

Theo ông Bình, cung - cầu lao động có vận hành tốt phải căn cứ vào sự phát triển của kinh tế, đáp ứng các mô hình mới, công nghệ mới như chip bán dẫn, tín chỉ carbon, năng lượng xanh, sạch...

Điều này đòi hỏi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng như Cục Việc làm luôn trăn trở thực hiện phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho rằng nếu định hướng nghề nghiệp từ sớm thì có thể tăng thêm hàng triệu lao động. 

Ông lấy ví dụ học sinh tốt nghiệp lớp 9 được tham gia chương trình 9+ tại trường cao đẳng hoặc trung cấp, qua đó có cơ hội gia nhập thị trường lao động sớm. 

Trong năm 2024, Cục Việc làm xác định, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Luật Việc làm sửa đổi, dựa trên nguyên lý xuyên suốt là việc làm phải gắn với thị trường lao động.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ việc làm không chỉ dành cho đối tượng yếu thế mà còn khơi nhiều nội dung mới như việc làm xanh, việc làm công bằng, việc làm cho người cao tuổi…

Cục trưởng Vũ Trọng Bình nhận định, Luật Việc làm sửa đổi sẽ xây dựng nội hàm để củng cố thể chế, luật hóa chủ trương phát triển thị trường lao động, thể hiện vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng sẽ làm rõ vai trò doanh nghiệp tham gia thị trường lao động, cung cấp, kết nối với hệ thống trung tâm việc làm của nhà nước.

  
Theo Lê Thanh Xuân (Báo Dân Trí)