Học viên học nghề phục vụ nhà hàng
Em K. (23 tuổi, quê TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) gần cả năm nay chưa thể tìm được việc làm phù hợp. Cầm trên tay tấm bằng cử nhân sư phạm giáo dục tiểu học, nhưng do không thi đậu kỳ thi tuyển viên chức nên K. chưa thể đi dạy. Nằm nhà nhiều tháng trời, K. đợi đến kỳ thi tuyển lần sau sẽ đăng ký dự thi.
“Chị em đang làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị tại TP. Long Xuyên, động viên em vào làm đỡ một thời gian. Nếu không thi đậu viên chức, thu nhập từ việc làm có thể giúp em tính toán chuyện học một nghề khác để dễ xin việc hơn” - K. tâm sự.
Không ít bạn trẻ cầm trên tay tấm bằng đại học các ngành, như: Du lịch, nông nghiệp, kinh tế… cũng gặp cảnh khó khăn tương tự. Trước bối cảnh suy giảm kinh tế, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, các vị trí tuyển dụng nhiều như trước đây không còn, ngay cả lao động phổ thông cũng thu hẹp.
“Sinh viên chuyên ngành du lịch như em phải chịu khó đi xa, đến những khu, điểm có nhiều du khách xin làm việc cho các nhà hàng, khách sạn, resort hay các công ty lữ hành mới mong có cơ hội việc làm. Nhiều bạn đã rất chịu khó đi nhưng vẫn không tìm được việc làm ổn định. Một số đã chuyển sang học việc ở nhóm ngành dịch vụ khác, như: Môi giới bất động sản, bán hàng thanh lý, bán hàng trên mạng, học pha chế thức uống, chế biến các món ăn mới lạ phù hợp với xu thế giới trẻ…” - bạn M. (quê huyện Châu Thành) chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, bạn T. (quê huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã cố gắng đi tìm việc làm, ứng tuyển vào nhiều vị trí nhân viên kinh doanh, phát triển thị trường của một số công ty. Tuy nhiên, công việc mà T. gắn bó nhiều tháng nhất là cho vay tài chính, vốn nhiều áp lực, nhưng thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.
Bỏ việc một thời gian, cảm nhận với tấm bằng hiện tại sẽ rất khó khi tìm việc làm, T. đăng ký tham gia lớp học nghề cắm hoa tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; học thêm nghề làm đẹp, như: Chăm sóc da, trang điểm cô dâu. “Một chị đồng nghiệp sau khi nghỉ việc cho vay tài chính đã theo học khóa pha chế thức uống, hiện đầu tư xe bán nước giải khát lề đường. Tôi chưa biết mình phù hợp với nghề gì nên cứ học mỗi nghề một chút, qua thực tế học nghề sẽ cảm nhận bản thân phù hợp với nghề gì nhất, có thể phục vụ được nhu cầu khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay” - cô gái trẻ bộc bạch.
Trước đây, những sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh thường dễ tìm kiếm việc làm, nhưng nay lại chịu cảnh lao đao tìm việc. Bạn Phan Hoàng Lực (sinh viên năm 4, ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học An Giang) chia sẻ: “Qua thăm hỏi, giữ liên lạc với sinh viên khóa trước, được biết các anh chị đang gặp khó khăn về việc làm.
Ngay cả khi rời quê An Giang lên TP. Hồ Chí Minh, nhưng ngoài kỹ năng tiếng Anh, sinh viên không đáp ứng các yêu cầu khác của doanh nghiệp nên chưa tìm được công việc phù hợp. Hơn nữa, số lượng tuyển dụng của các công ty rất ít, nên một số anh chị chịu cảnh thất nghiệp nhiều tháng nay. Trước thực tế này, em đăng ký học thêm nghiệp vụ về nhà hàng, khách sạn để tăng cơ hội có việc làm trong tương lai”.
Có dịp trao đổi, tìm hiểu những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh, Chủ tịch Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang Nguyễn Hữu Khánh chia sẻ: “Các em nhận học bổng là những học sinh vượt khó, có ý chí, nghị lực hơn bạn bè khác. Tuy nhiên, tốt nghiệp đại học chỉ mới là hoàn thành một giai đoạn học tập.
Trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước ngày càng khó khăn, các em phải cố gắng nhiều hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với nguyện vọng, sở thích. Mỗi sinh viên cần có động thái tích cực, sớm tìm kiếm việc làm trong khả năng, trong môi trường có thể tiếp cận. Các em cần tăng cường làm thêm, thực tập, tìm kiếm công việc giản đơn trước để bản thân được rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng xã hội, khả năng thích ứng linh hoạt với nhiều môi trường, tính chất công việc khác nhau. Tôi nghĩ các bạn trẻ cần rèn luyện bản lĩnh hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay”.
“Thật ra, tâm lý mong muốn cho con học đại học mới tìm được việc làm tốt, mong đổi đời là xuất phát từ nguyện vọng vượt khó, vươn lên của đại đa số các bậc cha mẹ vùng quê. Còn trên thực tế, các em cần xác định hướng đi cho bản thân, học đại học hay học nghề không quan trọng mà cần thiết là học để phụng sự, học để có kiến thức làm kỹ thuật, làm nông nghiệp… ứng dụng khoa học - công nghệ, tri thức mới để làm giàu trên chính quê hương mình” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, Chủ tịch Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang Nguyễn Hữu Khánh nhắn nhủ. |