Lê Hoàng Thanh Toàn cho biết, trước đây, gia đình làm nghề may. Nhờ công việc thuận lợi nên việc SXKD ngày càng phát triển. Năm 2018, gia đình Toàn quyết định mở rộng sản xuất, tập trung vào việc may đồ tole, đồ bộ để cung ứng cho thị trường ở phân khúc bình dân. Để có được thị trường, Toàn mang sản phẩm đến chào hàng các tiểu thương tại các chợ trong và ngoài địa bàn thị xã. Sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp đã lấy được lòng tin của khách hàng. Thế là “bài toán” đầu ra cho sản phẩm đã gỡ được “nút thắt” quan trọng nhất. Có được thị trường, cơ sở ngày càng mở rộng SXKD.

Hiện nay, cơ sở may của Lê Hoàng Thanh Toàn nhận may theo đơn đặt hàng của các tiểu thương tại các chợ. “Tiểu thương chỉ cần gửi mẫu là cơ sở làm đúng theo yêu cầu. Hiện nay, sản phẩm của gia đình có mặt ở nhiều chợ trong và ngoài tỉnh, như: TX. Tịnh Biên, TP. Long Xuyên; TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) và TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất từ 2.400 - 6.500 sản phẩm. Giá mặt hàng này khá bình dân, khoảng 80.000 đồng/bộ” - Toàn chia sẻ.

 

 

Thanh niên, người lao động được đào tạo nghề miễn phí và được hỗ trợ việc làm

Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, cơ sở may của Toàn còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương; nhận đào tạo học viên miễn phí. Sau khi học, được hỗ trợ việc làm tại chỗ, cơ sở còn hỗ trợ ăn trưa nên người lao động rất phấn khởi.

Bạn Hồ Thị Phú (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn) cho biết, đã làm việc tại đây khoảng 1 năm. Thời gian đầu, do chưa có tay nghề nên Phú được dạy nghề miễn phí. Nhờ sự tận tình, chu đáo của gia đình Thanh Toàn, thêm vào đó là sự cần cù, chịu khó nên sau 1 tháng vừa học, vừa làm, Phú đã thành thạo các kỹ thuật may ráp.

“Lúc mới học, tôi chưa thành thạo nên số lượng làm ra khá ít. Hiện nay, tôi đã gia công được nhiều sản phẩm hơn, khoảng 200 cái áo mỗi ngày. Bình quân mỗi tháng, tôi được trả 4,5 - 5 triệu đồng. Đặc biệt, trong quá trình làm tôi không phải lo cơm trưa, nước uống, tiết kiệm rất nhiều” - Phú chia sẻ.

Điểm dạy nghề thanh niên cùng cơ sở của Toàn đang giải quyết việc làm cho gần 20 lao động trong và ngoài địa phương (8 lao động làm việc tại nhà). Lao động làm việc tại đây phần lớn trong độ tuổi thanh niên, thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Tịnh Biên Trần Đại Nghĩa đánh giá, việc phát triển mô hình may mặc của Lê Hoàng Thanh Toàn mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên. Phường đoàn đang liên hệ với các bạn trẻ tại địa phương, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các bạn tham gia học nghề tại cơ sở của Toàn để có việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp cơ sở có thêm lao động, mở rộng SXKD.

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang và Tổ chức AEA Việt Nam đã tặng 4 máy may trị giá 26 triệu đồng để giúp cơ sở của Thanh Toàn mở rộng quy mô, đào tạo thêm nhiều học viên. Nhận được hỗ trợ, Toàn cam kết mỗi năm mở 5 lớp đào tạo từ học nghề đến thạo tay nghề (từ 10 học viên/lớp) và hỗ trợ dạy nghề liên tục cho thanh niên ít nhất trong 2 năm. Trong đó, đối tượng nhận đào tạo và làm việc cho cơ sở là thanh niên dân tộc, cận nghèo, lao động nữ trong độ tuổi thanh niên…

Việc phát triển nghề may của Lê Hoàng Thanh Toàn không chỉ đem đến nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, giúp họ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Chia sẻ về dự định sắp tới, Toàn cho biết, sẽ mở rộng xưởng, mua sắm các trang thiết bị để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người


 
Theo Đức Toàn (Báo An Giang)