Tại cuộc đối thoại của công nhân với Chủ tịch Quốc hội, nữ công nhân Bà H'chuyên Niê (Nông trường cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk) cho rằng, người lao động đi làm trước hết là để có lương nuôi sống bản thân và gia đình, sau đó để cống hiến xây dựng đất nước.
Vấn đề lương được mọi người lao động quan tâm, nhất là với người trực tiếp sản xuất.
Nữ công nhân nhận xét, trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động.
Tuy nhiên, trong thực tế, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng. Gần đây, giá thực phẩm như thịt lợn và nhiều loại mặt hàng thiết yếu liên tục tăng trong khi mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Lương của phần lớn công chức, viên chức cũng còn cách xa so với nhu cầu sống cơ bản.
Được Chủ tịch Quốc hội chỉ định làm rõ vấn đề người lao động nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề cập về vấn đề cải cách tiền lương.
Ông cho hay, trong 3 năm dịch Covid-19, lương của cán bộ công chức, viên chức trong khu vực công không tăng. Song, Nhà nước vẫn điều chỉnh lương tối thiểu vùng áp dụng với công nhân lao động và trợ cấp dành cho đối tượng xã hội bảo trợ xã hội, người có công.
Từ 1/7/2022, tất cả các đối tượng trên đã được hưởng mức lương, trợ cấp mới, sớm hơn thông lệ 6 tháng.
"Về lương tối thiểu vùng, ngày 8/8 tới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp, nghe ý kiến, đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại, công nghiệp Việt Nam, để đánh giá thực trạng, xem xét mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất doanh nghiệp, tình hình, thu nhập của lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế... Từ đó, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tính toán xem năm 2024 có điều chỉnh lương tối thiểu hay không, nếu có thì điều chỉnh ở mức nào", Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói.
Theo đó, các bên liên quan cùng trao đổi về lương tối thiểu vùng. Các ý kiến được dự đoán sẽ rất khác nhau.
"Hội đồng tiền lương quốc gia cần đánh giá căn cơ, bài bản mới có thể đưa ra đề xuất về phương án tăng lương tối thiểu. Nguyên tắc là cần tính toán hài hòa để vừa đảm bảo cuộc sống của người lao động vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cải cách tiền lương trong khu vực công và lương ngoài doanh nghiệp sẽ thực hiện theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương.
Tháng 10 này, Quốc hội sẽ xem xét lộ trình cải cách tiền lương trên cơ sở cân đối các nguồn lực.
Với khu vực doanh nghiệp, mỗi năm nhà nước vẫn điều chỉnh lương tối thiểu vùng căn cứ vào mức sống tối thiểu, biến động chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) cũng như mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp vì tiền lương chi trả liên quan lớn đến chi phí của doanh nghiệp.
"Nếu chi phí đầu vào quá cao, doanh nghiệp không sống nổi thì lao động cũng khó có việc làm, có thu nhập ổn định" Chủ tịch Quốc hội giải thích, quá trình hiệp thương cần bàn thảo kỹ từ các góc độ đó.
Tới đây, sẽ tổng kết 10 năm chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022. Trung ương sẽ ban hành nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045, trong đó các mục tiêu rất rõ ràng.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong các mục tiêu, Việt Nam phấn đấu để đến năm 2030 là một trong các quốc gia tiên phong xây dựng chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng.
Có 3 khâu đột phá liên quan đến các vấn đề xã hội được sẽ được lựa chọn thực hiện. Đó là xây dựng thị trường lao động ổn định, lấy trọng tâm là sinh kế ổn định, bền vững. Hệ thống an sinh xã hội tập trung đảm bảo những thiết chế tối thiểu về y tế, giáo dục. Ngoài ra, các chính sách cũng sẽ tập trung để phát triển hệ thống nhà ở với mục tiêu đến năm 2025 xóa được 100.000 nhà tạm cho các huyện nghèo và đến năm 2030 phấn đấu hỗ trợ giải tỏa nhà tạm khu vực nông thôn, hướng tới xây dựng 1 triệu nhà ở giá rẻ.