Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), xu hướng di cư lao động của các nước khu vực châu Á trong 5 năm trở lại đây đã dịch chuyển dần đến các nước phát triển như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc... do thu nhập tại các nước này khá cao, đồng nghĩa với các tiêu chuẩn tiếp nhận lao động nước ngoài có trình độ ngoại ngữ và tay nghề. Đó cũng là xu hướng mà người lao động (NLĐ) Việt Nam lựa chọn khi ra nước ngoài làm việc.
Được học hỏi nhiều hơn
Quyết định nghỉ việc sau 3 năm làm trợ lý kinh doanh, Phan Thị Thu Sơn (24 tuổi, quê Ninh Thuận) tìm hiểu các cơ hội ra nước ngoài làm việc. Ban đầu Sơn quyết định sang Đài Loan (Trung Quốc) theo tư vấn của một người bạn nhưng xem lại công việc và thu nhập thì chị đổi ý, dù chi phí đi khá thấp.
Sơn cho biết đã tốt nghiệp cao đẳng dệt may, vì vậy chỉ cần học tiếng, kỹ năng nữa là có thể sang Nhật Bản làm việc với thu nhập cao hơn gần gấp rưỡi ở Đài Loan. "Cũng chừng đó năm ra nước ngoài làm việc, tôi sẽ chọn nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn và học hỏi được nhiều hơn" - chị Sơn cho hay khi lựa chọn sang Nhật vào cuối năm nay. Dù đang học tiếng để sang Đức du học nghề nhưng anh Nguyễn Trung
(26 tuổi, quê Hà Tĩnh) quyết định bỏ ngang để học và thi lấy chứng chỉ IELTS tiếng Anh nhằm đủ điều kiện sang Úc theo diện visa làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh Trung phân tích: "Sang Đức phải vừa học vừa làm trong 3 năm với mức lương khoảng
25 triệu đồng/tháng để đủ điều kiện làm việc lâu dài. Trong khi đó, làm việc tại các nông trại Úc trong vòng 3 năm và được gia hạn thêm nếu có nhu cầu, với mức lương 65 triệu đồng/tháng". Còn anh Tạ Ngọc Thắng (27 tuổi, quê Quảng Bình) cho rằng chi phí sang Hàn Quốc khá cao nhưng bù lại mức thu nhập tương đối tốt hơn so với Nhật Bản, Đài Loan hay vài thị trường khác. Vì vậy, anh vẫn cố gắng học để đậu kỳ thi sát hạch tiếng Hàn, bước quan trọng để xin visa theo chương trình EPS.
Một nhóm lao động Việt Nam trước giờ xuất cảnh làm việc ở Nhật Bản
Tuyển chọn ngày càng khắt khe
Đi làm việc ở nước ngoài khi không có trình độ tay nghề thì đồng nghĩa với điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập cũng thấp, do đó không còn hấp dẫn NLĐ, kể cả đối với lao động nông thôn.
Trao đổi về xu hướng chọn thị trường làm việc ở nước ngoài của NLĐ, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), cho biết các nước tiếp nhận ngày càng khắt khe hơn trong việc yêu cầu tuyển chọn lao động, nhất là các thị trường có mức lương cao. Do vậy, NLĐ muốn ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe còn phải trang bị cho mình chuyên môn nghề nghiệp vững chắc, ngoại ngữ thật tốt để thuận lợi cho giao tiếp trong công việc và cả cuộc sống.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phái cử cũng cần phải đầu tư nhiều hơn các cơ sở đào tạo để đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác. "Nâng cao trình độ cho NLĐ trước khi xuất cảnh là yêu cầu bắt buộc khi phái cử họ đến những thị trường chất lượng cao. Trong đó, kỹ năng sử dụng tin học, kỹ năng mềm và am hiểu văn hóa cũng vô cùng quan trọng để nâng chất nguồn lao động phái cử" - ông Quỳnh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước trong thời gian tới là rất lớn, điều quan trọng với Việt Nam là phải chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cạnh tranh quốc tế. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp nâng chất lượng lao động trình độ cao và đẩy mạnh việc phái cử lao động chất lượng.
"Chất lượng lao động chính là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho lao động Việt Nam, giữ vị thế của lao động nước mình trong mắt các nhà tuyển dụng" - ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nói.
<grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension><grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension>
Úc thiếu nhân lực dịch vụ nhà hàng, khách sạn
"TP Melbourne - Úc hiện đang cần hơn 2.000 đầu bếp và hơn 3.000 vị trí khác trong nhà hàng" - đó là chia sẻ của ông De-metrios Jim Rigogiannis, nhà sáng lập JR Training Pty Ltd - đơn vị triển khai chương trình thực tập có lương và định cư tại Úc, tại tọa đàm "Career Talk: Cơ hội và thách thức của du học nghề tại chỗ trong bối cảnh địa phương hóa toàn cầu hậu Covid-19" vừa diễn ra tại TP HCM. Tọa đàm mở ra thông tin về bối cảnh thị trường lao động nghề bếp, cũng như các cơ hội việc làm khác của học viên nhiều trường nghề Việt Nam trước sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại Úc và các thị trường lao động quốc tế hiện nay. Theo ông Jim, sau những biến động của dịch Covid-19, Úc đang đối diện với "cơn sốt" nguồn nhân lực cho các ngành dịch vụ ăn uống - nhà hàng - khách sạn. Do đó, dự kiến từ nay đến năm 2025, Úc sẽ cần 112.700 người làm việc trong lĩnh vực này.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng để tiếp cận nhanh với các vị trí công việc tại Úc trong bối cảnh này, du học tại chỗ nghề bếp đang là lựa chọn với nhiều lợi thế cho học viên trường nghề trong nước.