Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làm cho người lao động trong nước, mà còn góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình.

HƠN 78.000 LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI TRONG NỬA ĐẦU NĂM

Thông tin về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong nửa đầu năm 2024, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết tính đến ngày 20/6, cả nước đã đưa được hơn 78.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 62,4% kế hoạch năm (125.000 lao động), và đạt 107% so với số lượng lao động xuất cảnh trong cùng kỳ năm 2023.

Một số thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam gồm: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Rumani, Hungary, Ba Lan, Ả rập Xê út, Canada…

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: Sản xuất, chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...); xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản), và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Về thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200 – 1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Châu Âu; từ 700 – 1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500 – 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, Châu Phi...

Ngoài các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, một số thị trường mới cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như các nước thuộc Đông Âu (Rumani, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia)...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vừa qua tình trạng lừa đảo trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn thường xuyên diễn ra, với tính chất phức tạp và tinh vi.

Theo ông Hương, dù đây là tình trạng không mới, nhưng các đối tượng đã lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng được đi làm việc ở nước ngoài của người lao động để lừa đảo.

CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC CHIÊU LỪA ĐẢO ĐỂ TRÁNH MẤT TIỀN OAN

Trước đó, hồi giữa tháng 5 năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã cảnh báo tình trạng xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ này, và phía Australia lựa chọn thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ đó, nhằm tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân lừa đảo người lao động và hứa “bao đỗ” trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2024, để người lao động có thể sang Hàn Quốc làm việc.

Xác thực thông tin căn cước công dân để tránh gian lận trong kỳ thi tiếng Hàn. Ảnh: MOLISA.
Xác thực thông tin căn cước công dân để tránh gian lận trong kỳ thi tiếng Hàn. Ảnh: MOLISA.

Về vấn đề này, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thông tin thêm rằng đây là chương trình mà đơn vị đang thực hiện rất công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả người lao động.

Do đó, không có cá nhân, tổ chức nào có thể can thiệp không đúng vào việc triển khai của chương trình. Vì thế, người lao động cần lưu ý để tránh việc mất những khoản tiền không đáng có.

Đại diện Trung tâm khuyến cáo, để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan.

Đồng thời, chỉ liên hệ với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức, được đăng tải trên giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp, và trên Cổng thông tin điện tử của các đơn vị được giao triển khai.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người dân, và đề cao cảnh giác trước tình trạng này.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo định kỳ hàng tháng; thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo lao động đi làm việc tại một số thị trường, ngành nghề như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)…

Đồng thời, khuyến cáo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng; thông tin hướng dẫn và tư vấn người lao động về những sự chuẩn bị cần thiết, và các kênh hay hình thức để đảm bảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả.

Ngoài ra, thời gian qua, vấn đề nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Qua đó, góp phần đảm bảo được vị thế của người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, cũng như nâng cao trình độ của người lao động khi quay trở về làm việc trong nước.

 
Theo Nhật Dương (Báo VnEconomy)