Năm 2020, ông Nguyễn Minh có 8 tháng làm việc tại Việt Nam, mức lương 15 triệu đồng/tháng và 4 tháng công ty cử đi làm việc tại Lào, thu nhập là 300 triệu đồng. Ông Minh hỏi, mức đóng BHXH của ông trong năm 2020 được tính như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp ông được cử đi công tác tại Lào mà vẫn hưởng tiền lương ở Việt Nam thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động của ông.

Ông Dương Quang làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước, ký hợp đồng không xác định thời hạn với mức tiền lương theo hệ số lương năng suất là 1,17 và tiền lương hệ số là 4.840.000 đồng cho hệ số 1. Trong thực tế công ty trả theo lương năng suất cho ông với hệ số lương năng suất là 1,5 và tiền lương hệ số là 6.900.000 đồng. Đây là mức tiền lương bình quân tháng theo chế độ 22 ngày công/tháng. Ông Quang hỏi, công ty và người lao động khi nộp tiền bảo hiểm thì nộp theo lương trong hợp đồng lao động hay lương năng suất thực nhận hàng tháng?

BHXH Việt Nam trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 2 và Khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, từ ngày 1/1/2018 tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động theo quy định Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể:

Mức lương: Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

Phụ cấp lương: Là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Đề nghị ông đối chiếu với quy định nêu trên, yêu cầu đơn vị xác định lại mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác để ghi trên hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định.

Làm việc tại nhiều nơi, đóng BHXH thế nào?

Em của bà Trương Lan Anh là giáo viên âm nhạc. Do không xin được dạy chính thức ở các trường nên em của bà ký hợp đồng dạy theo giờ cho các trường tư thục trong tỉnh. Hợp đồng ký từ ngày 1/9 năm trước đến ngày 31/5 năm sau (1 năm học). Thu nhập hàng tháng được tính bằng đơn giá lương giờ nhân với số giờ thực dạy. Nếu thu nhập tại 1 trường lớn hơn 2 triệu đồng/tháng thì trường giữ lại 10% để nộp thuế TNCN và cuối năm phát biên lai thuế thu nhập cho em bà.

Bà Lan Anh hỏi, nếu em bà muốn đóng BHXH thì đóng như thế nào? Trường nào có trách nhiệm kê khai và đóng BHXH cho em bà và mức lương nào dùng làm căn cứ để đóng BHXH?

BHXH Việt Nam trả lời: Căn cứ quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 2; Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Luật BHXH năm 2014; Điểm a Khoản 1 Điều 12 Văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014; Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm; Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 2 Điều 3 Văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014; Khoản 2 Điều 58 Luật Việc làm; Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT, BHTN; tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động, trong đó:

Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, Khoản 2 Điều 13 Văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014, Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm, Khoản 2 Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì:

- Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì đóng BHXH theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên;

- Người lao động có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất;

- Người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng BHTN theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên;

- Người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.

  
Theo Chinhphu.vn