Đó là Thông tư số 3305/VBHN-BLĐTBXH do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Thông tư này là văn bản hợp nhất các quy định từ Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31-7-2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-2-2024).

Thông tư số 3305/VBHN-BLĐTBXH được ban hành ngày 25-7-2024 nhưng có hiệu lực kể từ ngày 15-9-2015. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1-1-2015.

Thông tư về bảo hiểm thất nghiệp mới ban hành nhưng có hiệu lực từ năm 2015?- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại sàn giao dịch việc làm do LĐLĐ quận 12, TP HCM tổ chức

Nội dung Thông tư gồm 8 chương, trong đó có các hướng dẫn thực hiện quy định về Tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm; Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động…

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư:

- Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động có hiệu lực đầu tiên thì khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động (đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp) dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức BHXH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động nêu trên.

- Trường hợp trước ngày 1-1-2015 người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng với người lao động và đang thực hiện hợp đồng lao động này, tính đến ngày 1-1-2015 thời hạn hợp đồng lao động nêu trên còn ít nhất 3 tháng trở lên thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kể từ ngày 1-1-2015 trở đi.

- Người lao động tại đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy trình tại điểm h khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.

- Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu. 

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp không được bảo lưu. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Người lao động không đến nhận tiền và không thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

 
THEO PHÚC NGUYÊN (BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG)