Thông tin được bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, cho biết ngày 31/7. Trong 6 tháng qua, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở thành phố tăng 7% so với cùng kỳ, tương đương 5.000 người.
Tỷ lệ lao động trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp xếp thứ hai trong tổng số người nộp hồ sơ toàn thành phố. Đứng đầu là nhóm không có bằng cấp chứng chỉ chiếm khoảng 53%, thứ ba thuộc về nhóm có cao đẳng, chiếm gần 6%.
Tỷ lệ lao động trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp ở TP HCM cao gần gấp đôi so với cả nước. Cụ thể, theo bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm, toàn quốc có hơn 562.600 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp, trong đó trình độ từ đại học trở lên chiếm 13,85%.
Theo bà Hạnh Thục, lao động thất nghiệp trên địa bàn tăng do các doanh nghiệp lớn trên địa bàn cắt giảm lao động, đơn cử như Công ty Pouyuen ở Bình Tân. Đối với nhóm có trình độ, một số cảm thấy công việc không còn phù hợp, không được tái ký hợp đồng mới nên mất việc.
Nhiều trường hợp xem đây là giai đoạn "nghỉ xả hơi", dừng lại một thời gian để tìm cơ hội việc làm hơn. Với nhóm lao động có trình độ, mức hưởng trợ cấp cao nhất là 23,4 triệu đồng mỗi tháng.
Liên quan lao động có trình độ mất việc, trong báo cáo xu hướng nhân sự nửa đầu năm 2023 được Anphabe công bố mới đây cho thấy nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi "sóng thần sa thải" là công nghệ thông tin, phần mềm, thương mại điện tử (cắt giảm trung bình khoảng 25% nguồn nhân lực), bất động sản (22%); tiếp theo là các ngành bảo hiểm (18%), điện tử, công nghệ cao (16%) và du lịch, ẩm thực, nghỉ dưỡng (16%).
Từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí. Điều này khiến cho 13% người đi làm tại chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi làn sóng giảm lao động.
Mặc dù ghi nhận làn sóng sa thải lao động vẫn còn tiếp tục kéo dài song báo cáo của Anphabe cũng chỉ ra nhiều điểm tích cực khi cứ 10 người bị cắt giảm, đã có 7 người tìm được công việc mới. Trong số này chỉ một người chấp nhận mức lương thấp hơn, ba người giữ nguyên và ba người có được mức thu nhập cao hơn với mức tăng bình quân 8,7%, tập trung ở các ngành bán hàng, marketing, tài chính, nghiên cứu và phát triển.
Người lao động ở những ngành yêu cầu chuyên môn cao như kỹ thuật cơ khí, ngân hàng, vận tải – hậu cần, dược, kiến trúc xây dựng nếu bị cắt giảm vẫn sẽ dễ dàng tìm thấy việc ở các doanh nghiệp cùng ngành.
Một số ngành có xu hướng gia tăng tuyển dụng trong thời gian tới là ngân hàng, giáo dục, đào tạo, tư vấn, dược, thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe... Do đó, những lao động ở những ngành buộc phải thu hẹp vì khó khăn kinh tế có thể tìm thấy cơ hội ở các lĩnh vực khác nếu chịu chuyển đổi.