Những con số khích lệ

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Châu Văn Ly cho biết, để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ, từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức truyền thông chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Ngành LĐ-TB&XH còn hướng dẫn, đôn đốc, tạo sự chuyển biến của các địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực lao động, việc làm. Đồng thời, tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả mô hình đào tạo nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM...

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 16.422 người, đạt 59,66% kế hoạch năm 2023. Cụ thể, cao đẳng có 603 sinh viên, trung cấp đào tạo 1.447 học sinh, sơ cấp 8.536 học viên, dưới 3 tháng đào tạo 5.856 học viên. Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đã tổ chức 371 lớp với 4.875 học viên, kinh phí gần 6,2 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm tai nạn là 470 học viên, kinh phí 684 triệu đồng. Đến nay, tổng số học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp là 8.415 người, đạt 56% kế hoạch năm. Số lượng học sinh, sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm khoảng 7.287 người, chiếm tỷ lệ 86,6%.

Công tác giải quyết việc làm cũng được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Sở LĐ-TB&XH đẩy mạnh tuyên truyền về đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mặt khác, hoạt động của các sàn giao dịch việc làm đã phát huy vai trò kết nối cung - cầu lao động giữa các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động với NLĐ.

Từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH An Giang đã tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và 30 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho NLĐ tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả, đã thu hút 322 doanh nghiệp (DN) và 10.625 lao động tham dự. Ngoài ra, toàn tỉnh có 379 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhiều nhất là ở các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Có thể thấy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng lên. Nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và làm việc tại các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Qua đó, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm nghèo. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao…

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Do tình hình sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nên chủ yếu duy trì lực lượng lao động để ổn định sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động không nhiều. Mặt khác, lực lượng lao động tìm đến các sàn giao dịch việc làm dù lớn, nhưng chủ yếu là lao động trẻ, thiếu kỹ năng; quá trình đào tạo chưa gắn liền với thực tế công việc tham gia ứng tuyển. Do đó, ảnh hưởng đến công tác kết nối việc làm, đặc biệt là việc tuyển dụng trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm.

Những tháng cuối năm, Sở LĐ-TB&XH An Giang sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp số liệu và đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí thực hiện lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Tích cực tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người sắp chấp hành xong án phạt tù và học viên sắp hết thời gian cai nghiện ma túy…

Mặt khác, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tổ chức giám sát, kiểm tra công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; phúc tra, hướng dẫn các tiêu chí, chỉ tiêu NTM do ngành phụ trách ở các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn NTM năm 2023. Phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, nắm tình hình lao động, việc làm trong các DN trên địa bàn tỉnh...

Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ; tăng cường kết nối thông tin về việc làm, giới thiệu việc làm cho NLĐ; phối hợp các địa phương tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố…

 
Theo Đức Toàn (Báo An Giang)