Tư vấn tuyển sinh, việc làm cho học sinh, người lao động ở các địa bàn trong tỉnh

Năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) tập trung khôi phục sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động kết nối lao động với DN, tăng cường để NLĐ có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Kết quả, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tổ chức 31 điểm, cụm tư vấn và 2 phiên giao dịch việc làm. Qua đó, tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 30.900 trường hợp, đưa 357 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từ đầu quý IV/2022 đến nay, một số ngành, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn trong kinh doanh, duy trì việc làm cho NLĐ, nhất là DN trong lĩnh vực dệt may, da giày… Một số DN bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ. Các ngành chuyên môn đã làm việc, hướng dẫn để DN hỗ trợ một phần cho NLĐ bị ảnh hưởng. Đồng thời, tích cực giới thiệu, kết nối việc làm cho những lao động bị mất việc được học nghề hoặc có việc làm ở các DN mới.

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đa số các DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại bình thường. Số lao động trở lại làm việc tại các DN đạt khoảng 98,69% (trong đó tại các khu công nghiệp khoảng 95%). Vì phần lớn lao động là người dân địa phương, nên tỷ lệ biến động lao động trong các DN trên địa bàn tỉnh tương đối thấp.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang Phạm Văn Phước, thời gian qua, đơn vị tập trung một số giải pháp trọng tâm, như: Tuyên truyền, xác định phương án tư vấn, giới thiệu việc làm, phân công cán bộ xuống tận các DN trên địa bàn nắm nhu cầu tuyển dụng lao động của DN để xây dựng kế hoạch phối hợp cùng nhau thực hiện. Đơn vị còn phối hợp Bảo hiểm Xã hội tỉnh giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 23.870 trường hợp, với số tiền chi trả trên 400 tỷ đồng.

 

 

Trong số NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp, khoảng 70% là lao động ngoài tỉnh trở về địa phương. Trung bình 1 ngày, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận 90 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời tư vấn, thông báo việc làm cho khoảng 100 trường hợp lao động xin việc. Hiện nay, số lượng lao động là người An Giang bị mất việc làm ngoài tỉnh, nhất là TP. Hồ Chí Minh khá lớn. Một trong những khó khăn là phần lớn NLĐ bị mất việc làm ít quan tâm đến học nghề để tìm việc làm mới, mà chỉ hoàn chỉnh hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp xong mới tính toán đến tìm việc.

“Trong tháng 2, chúng tôi đã chuẩn bị để khởi động tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm tại huyện Tịnh Biên và Phú Tân. Đơn vị đang ráo riết liên kết các điểm còn lại để tổ chức được càng nhiều phiên, điểm giao dịch việc làm càng tốt, cung ứng nguồn lao động cho các DN. Trung tâm sẽ tích cực thực hiện vai trò kết nối giữa NLĐ với DN nhằm giúp NLĐ bị mất việc làm có cơ hội trở lại làm việc ngay, tham gia vào thị trường lao động. Công tác tuyên truyền trong năm nay có thêm sự đổi mới, đa dạng, chủ yếu tận dụng công nghệ thông tin để đăng tải rộng rãi đến các địa bàn” - ông Phạm Văn Phước cho biết.

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phấn đấu tổ chức 20 phiên, điểm giao dịch việc làm. Trong đó, sẽ tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm tại các huyện và 17 điểm giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh. Đơn vị tiếp tục phối hợp Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tư vấn tại các khu phố, khóm, ấp để tuyên truyền các thông tin, chính sách việc làm cho NLĐ. Chỉ tiêu đặt ra là tư vấn, giới thiệu việc làm 30.000 lượt; giới thiệu việc làm đạt 1.800 lao động; tư vấn cho 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

 

 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tích cực tạo điều kiện giúp người thất nghiệp sớm tham gia vào thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường công tác tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng học nghề, tổ chức dạy nghề phù hợp cho người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đơn vị cũng sẽ tăng cường phối hợp với nhiều cơ sở dạy nghề ở các địa phương để đẩy mạnh công tác hỗ trợ học nghề cho đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đối với công tác thông tin thị trường lao động, website của trung tâm là kênh chính được phát huy để thông tin về nhu cầu của DN và lao động có nhu cầu tìm việc. Bên cạnh hình thức trực tiếp, đơn vị sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian tới, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, hoạt động của các DN sớm ổn định trở lại, thị trường lao động sẽ trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục gia tăng. Dự báo quý I và quý II/2023, tình trạng thiếu lao động cục bộ tiếp tục diễn ra. Ngành LĐ-TB&XH sẽ nắm tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN để có phương án kết nối giải quyết việc làm. Cùng với đó, tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên giao dịch việc làm trực tuyến, thông tin tuyên truyền, hỗ trợ NLĐ…
  
Theo Mỹ Hạnh (Báo AGO)