Hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng để học tập

Tháng 7/2023, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tập huấn thí điểm về an toàn, vệ sinh lao động trên nền tảng số cho NLĐ thuộc DN lúa gạo và thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang (Công ty Cổ phần thực phẩm Hưng Phúc Thịnh và Công ty TNHH gạo Vinh Phát Wilmar). Đây là hoạt động thuộc chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại khu vực Đông Nam Á” giai đoạn 2 (GRAISEA2).

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp lúa gạo và thủy sản Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, là một trong những ngành giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, NLĐ trong 2 ngành này thường xuyên thay đổi công việc (trung bình hàng năm khoảng 30%), tỷ lệ lao động nữ chiếm 80%, hầu hết là lao động mùa vụ hoặc ký hợp đồng theo ngày tại DN.

Do đó, việc xây dựng thí điểm tập huấn trên nền tảng số sẽ giúp NLĐ ngành thủy sản, lúa gạo được tiếp cận với kiến thức về an toàn vệ sinh lao động nhanh chóng, thuận tiện, hỗ trợ đồng hành cùng DN khắc phục khó khăn, duy trì tăng trưởng và phát triển sản xuất.

Tại lớp tập huấn, NLĐ được trải nghiệm thí điểm nền tảng số trên ứng dụng điện thoại di động hoặc trên máy tính các nội dung: An toàn vệ sinh lao động; nội quy lao động của DN; kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, công tác sơ cấp cứu ban đầu và tham khảo kho kiến thức pháp luật chung.

Việc học trên nền tảng số được thực hiện thông qua tài khoản cá nhân được cung cấp cho NLĐ. Qua ứng dụng, NLĐ nắm được kiến thức cơ bản, cần thiết trong công tác an toàn vệ sinh lao động, có thể tự học mọi lúc, mọi nơi, học đi học lại. Mặt khác, còn giảm chi phí đào tạo cho DN, đặc biệt là ngành thủy sản, lúa gạo có lao động biến động thường xuyên.

Theo LĐLĐ tỉnh An Giang, việc chuyển đổi công nghệ số là cần thiết, vì hoạt động công đoàn nói chung đang hướng đến phù hợp thời đại công nghệ số. Công tác an toàn vệ sinh lao động vừa đáp ứng được yêu cầu này, vừa giúp NLĐ tiếp cận công nghệ trong học tập, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Mặt khác, phương châm hoạt động công đoàn luôn đặt lợi ích NLĐ là trọng tâm, chi phối các hoạt động.

Vì vậy, công đoàn luôn tìm cách để NLĐ thụ hưởng lợi ích chăm lo nhiều nhất, thuận lợi nhất. Việc đưa công nghệ số vào cung cấp kiến thức giúp họ tự bảo vệ bản thân, chủ động lựa chọn khung giờ học, được cung cấp nội dung phù hợp ngắn gọn, dễ nhớ. Về phía DN, việc tập huấn theo chuyển đổi số giúp thuận lợi trong công tác tổ chức, không ảnh hưởng đến sản xuất.

Chị Nguyễn Ngọc Bông (Ca trưởng Công ty Cổ phần thực phẩm Hưng Phúc Thịnh) chia sẻ: “Ứng dụng được sử dụng khá dễ dàng, tôi có thể chủ động thời gian học tập hoặc học chung với các anh em khác. Các nội dung biên soạn cho người học dễ nhớ nhờ âm thanh, hình ảnh kèm theo”. Anh Đặng Nguyễn Thanh Bình (làm việc cùng công ty) đồng tình khi qua đợt tập huấn, anh đã thao tác rất nhanh và dễ.

Theo anh Bình, không mất nhiều thời gian nhưng anh vẫn đủ kiến thức về công tác an toàn vệ sinh lao động theo quy định, an toàn vệ sinh lao động thuộc ngành thủy sản. Hình thức tự học, tự kiểm tra kiến thức qua ứng dụng trên nền tảng số còn giúp DN giảm chi phí tổ chức đào tạo, tập huấn cho NLĐ.

Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần thực phẩm Hưng Phúc Thịnh Bùi Thế Trang cho biết, đợt tập huấn đã đáp ứng được cơ bản về yêu cầu của DN và NLĐ. Trong đó, phải kể đến lợi ích giảm thời gian về đi lại của NLĐ, tiết kiệm chi phí cho DN. Bên cạnh đó, ứng dụng truy cập được mọi lúc, mọi nơi vào bất cứ thời gian nào trong ngày.

Ứng dụng công nghệ thông tin của Oxfam.weleaming.vn phát huy hiệu quả cao trong việc hỗ trợ hoạt động DN sản xuất - kinh doanh. “Bên cạnh thành quả đạt được, còn khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nhất là khó khăn về tài chính. Mong rằng, trong thời gian tới, mô hình được triển khai nhân rộng đối với nhiều ngành nghề, phổ biến đến từng DN và NLĐ, vì hiệu quả rất thiết thực” - ông Trang chia sẻ.

Với hình thức tập huấn truyền thống, DN khó đo lường được mức độ tiếp nhận, khả năng hiểu biết, nắm vững kiến thức của NLĐ về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nội quy lao động và sơ cấp cứu tai nạn lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam đang tiếp tục thí điểm, sau đó sẽ có đánh giá, nghiên cứu hoàn thiện ứng dụng theo hướng phù hợp hơn nữa với nhu cầu NLĐ.

  
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)