Hiện nay, pháp luật đã quy định khá cụ thể về các điều kiện, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như hồ sơ, thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy nhưng trong trường hợp đặc biệt, người lao động cần tìm hiểu kỹ về thủ tục, hồ sơ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
QUY ĐỊNH VỀ BẢO LƯU TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Chị Phan Hồng Nhung (Cần Thơ) thắc mắc, chị bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp có được bảo lưu không?
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định, trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động hết hạn nhận quyết định theo phiếu hẹn trả kết quả, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Còn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong trường hợp hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được cộng dồn theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm để tính cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.
Như vậy, trường hợp người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì sẽ bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được bảo lưu, cộng dồn theo các quy định nêu trên.
THỦ TỤC CHUYỂN NƠI NHẬN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Anh Nguyễn Văn Linh (ở Đồng Tháp) cho biết, anh được hưởng trợ cấp thất nghiệp 07 tháng, đã hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp. Nhưng tháng sau, do có nhu cầu công việc nên anh Linh phải chuyển vào TP.HCM.
Anh Linh thắc mắc, anh có được chuyển việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp vào TP.HCM không? Nếu được thì phải làm những thủ tục gì? Giấy tờ chuyển hưởng bao gồm những gì?
Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ thì người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến theo mẫu quy định. Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
- Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;
- Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có);
- Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với trường hợp anh Linh nếu có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp vào TP. HCM thì cần phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp và Trung tâm sẽ cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp để anh Linh nộp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM theo các quy định nêu trên.
Theo quy định hiện hành, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng, người lao động phải thông báo về việc đang thực hiện tìm kiếm việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ một số trường hợp đặc biệt như nghỉ dưỡng thai sản, điều trị bệnh dài ngày, thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ….