IMG-6145.JPG

Toàn cảnh Hội nghị ở các điểm cầu

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Hà Nội Bạch Liên Hương thông tin, ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Sở LĐ-TBXH Hà Nội đã khẩn trương thành lập Tổ công tác của Sở để tham mưu UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chủ động liên hệ Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan để phối hợp triển khai; đồng thời đề nghị các sở, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của sở, ngành trong tổ chức thực hiện. Sở còn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người lao động theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

IMG-6013.JPG

Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Hà Nội trình bày báo cáo tham luận Hội nghị
“Sở LĐ-TBXH Hà Nội đang đôn đốc các sở, ngành khẩn trương góp ý kiến để hoàn thiện Quyết định, trình UBND Thành phố ban hành nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ tới các đối tượng thụ hưởng, trong đó chú trọng: về trình tự, thủ tục, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện trong tổ chức triển khai thực hiện; xây dựng dự thảo về đối tượng, điều kiện được hỗ trợ đối với lao động tự do, đồng thời đang nghiên cứu phương thức chi trả để đảm bảo theo đúng nguyên tắc tại Điểm a, Điểm c Khoản 2 Mục I, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Điều 44, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg…”- bà Bạch Liên Hương nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hoàng, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố, đến nay, thành phố đã chi hỗ trợ cho 326.141 lượt đối tượng với tổng kinh khí hơn 501,7 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu tập trung ưu tiên cho đối tượng người lao động bị mất việc, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội.
IMG-6003.JPG
Giám đốc Sở LĐ-TBXH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hoàng phát biểu tham luận
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 4 năm 2021 làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… trên địa bàn thành phố một lần nữa bị ảnh hưởng rất lớn. Các doanh nghiệp, cơ sở phải tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm dẫn đến một bộ phận lao động phải nghỉ việc, ngừng việc, không có nguồn thu nhập, nhất là lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, giáo dục ngoài công lập. Ngoài ra, có một số đối tượng thuộc diện người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và một bộ phận nhân dân, người lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn…
Còn theo đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đợt dịch lần thứ 4 có khoảng 30 – 50 nghìn lượt người bị ảnh hưởng. Đối với lao động tự do, UBND tỉnh đã ban hành riêng Quyết định 2379/QĐ-UBND để triển khai thực hiện, trong đó hỗ trợ 01 lần mức 1.500.000 đồng/người cho các nhóm đối tượng gồm: Thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 02 bánh; Bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; Tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực: Ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp (cắt - uốn tóc, nail); lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 01 tháng 5 năm 2021, gồm: Karaoke, quán bar, vũ trường, phòng trà, rạp chiếu phim, cơ sở massage, xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, phòng tập Gym, fitness, biliards, yoga… Theo đó, toàn tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 25.000- 30.000 lượt đối tượng với kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.
IMG-6008.JPG
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang phát biểu tại đầu cầu trực tuyến
Riêng tại Bắc Giang, một trong những tâm dịch lớn nhất của cả nước với hơn 5.700 ca bệnh. Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, để khống chế dịch bệnh, có thời điểm, tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 04 khu công nghiệp (KCN), cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với 06 huyện và giữ lại hơn 60.000 lao động ngoài tỉnh; giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-với 02 huyện, thành phố; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn, đời sống nhân dân bị đảo lộn… Vì vậy, các chỉ tiêu đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành không đạt được theo kế hoạch. Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp đều thiếu lao động do nhiều lao động vẫn còn ở trong vùng cách ly xã hội hoặc đang trong thời gian cách ly y tế; đặc biệt nhiều lao động vẫn còn tâm lý e ngại khi quay trở lại làm việc tại các KCN do sợ lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ bị cắt giảm đơn hàng, thị trường bị thu hẹp, bên cạnh đó phải tăng đầu tư chi phí cho công tác phòng chống dịch, xét nghiệm tầm soát định kỳ Covid-19 người lao động nên chưa bố trí cho người lao động đi làm trở lại…
Tại Bình Dương, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 3067/UBND-VX ngày 07/7/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và văn bản số 3081/UBND-VX ngày 08/7/2021 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ngày 09/7/2021, Sở LĐ-TBXH chủ trì họp với các đơn vị liên quan thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh nội dung để triển khai đến các cơ quan ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Hiện nay UBND cấp xã đang triển khai xuống các khu, ấp để tiếp nhận hồ sơ người lao động đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Sở LĐ-TBXH đã có Tờ trình số 118/TTr-SLĐTBXH trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương trên cơ sở thống nhất của các sở ngành liên quan và UBND cấp huyện với dự kiến khoảng 40.000 đối tượng là lao động tự do với múc hỗ trợ một lần là 1.500.000 đồng/người (trong đó 7.000 đối tượng bán vé số).
1_6.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị Sơ kết ngành Lao động, người có công và xã hội năm 2021
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong những chính sách hết sức quan trọng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động trong quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, thời gian qua, các cấp công đoàn đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động, Tổng Liên đoàn đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 với tổng số tiền trên 113 tỷ đồng, trong đó: hỗ trợ 193.248 đoàn viên, người lao động với số tiền 96,137 tỷ đồng, chi hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch 17,127 tỷ đồng. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn đã phát động Chương trình “Vắc-xin cho công nhân” thông qua Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng. Quỹ Tấm lòng vàng đã ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam (VFVC) với tổng số tiền 150 tỷ đồng; hàng chục triệu công nhân lao động đã tích cực hưởng ứng, tham gia nhắn tin ủng hộ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
"Với tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn với trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục phối hợp tích cực, chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động; phối hợp triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách như mục tiêu và nguyên tắc của Nghị quyết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Quyết tâm cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội” - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Theo http://www.molisa.gov.vn