Tuyển chỉ 5-10 công nhân

Chạy khắp 3 khu công nghiệp không tìm được việc lương 6 triệu đồng - 1

Công ty Golf ở khu công nghiệp Vsip 1 treo bảng tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông nên rất nhiều người tìm đến đây để xin việc (Ảnh: Phạm Diện).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, những ngày gần đây, rất đông công nhân thất nghiệp cầm hồ sơ đi xin việc tại các khu công nghiệp lớn ở Bình Dương. Tuy vậy, số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động phổ thông rất ít. Hầu hết người lao động mỗi ngày mang hồ sơ đi rồi lại mang hồ sơ về, không thể tìm được việc.

Tại khu công nghiệp Vsip 1 (TP Thuận An, Bình Dương), số công ty treo biển tuyển dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số các công ty có nhu cầu về lao động thì công ty sản xuất gậy golf đang tuyển số lượng lớn công nhân (1.000 lao động phổ thông). Tuy nhiên, nhiều người cũng cầm hồ sơ đến rồi ra về vì không đủ điều kiện hoặc giấy tờ chưa hợp lệ.

Chạy khắp 3 khu công nghiệp không tìm được việc lương 6 triệu đồng - 2

Hầu hết các công ty ở các khu công nghiệp lớn ở Bình Dương đều không tuyển dụng lao động thời điểm này (Ảnh: Phạm Diện).

Trong số các công ty ở khu công nghiệp Đại Đăng, Sóng Thần 3, Kim Huy (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng chỉ có một vài doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, số lượng cần tuyển cũng chỉ từ 5-10 người hoặc chỉ tuyển nữ.

Các công ty có nhu cầu tuyển dụng thì chỉ cần lao động có tay nghề cao nên rất ít người có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trong khi đó, người mất việc nhiều nhất lại là lao động phổ thông.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn do thiếu đơn hàng. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp tuyển dụng, số lượng chỉ khoảng hơn 3.000 lao động, tập trung lao động kỹ thuật, có tay nghề.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Bình Dương có hơn 29.600 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp hơn 717 tỷ đồng; mức hưởng bình quân gần 4 triệu đồng/tháng/người. 

Cầm hồ sơ đi rồi lại ra về

Một người đàn ông 30 tuổi (quê Bạc Liêu) cho biết, anh cùng chị gái đi xin việc từ sáng đến trưa tại một số khu công nghiệp tại TP Thủ Dầu Một nhưng đều nhận được câu trả lời "để lại hồ sơ và sẽ gọi lại sau".

Người này cho biết thêm, công ty đòi hỏi bằng cấp nhưng anh lại không có. Trước đó, anh làm công ty bụi gỗ với thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng nhưng không đủ trang trải cuộc sống. Mới đây, công ty không có đơn hàng nên anh bị thất nghiệp. Tuy nhiên, đi xin qua nhiều công ty nhưng vẫn chưa được nhận vào làm việc.

Chạy khắp 3 khu công nghiệp không tìm được việc lương 6 triệu đồng - 3

Người đàn ông 30 tuổi quê Bạc Liêu cùng chị gái đi khắp các khu công nghiệp lớn tại Bình Dương mà vẫn chưa tìm được việc (Ảnh: Phạm Diện).

Anh Đỗ Ngọc An (40 tuổi, quê Bắc Kạn) cho biết, ngày nào anh cũng đi quanh các khu công nghiệp để tìm việc nhưng chưa nơi nào nhận anh. Do thời buổi kinh tế suy thoái, công ty không có đơn hàng nên họ không có nhận lao động. Gần 20 năm làm công nhân, chưa khi nào anh An thấy đi xin việc lại khó khăn đến vậy.

"Tôi cũng chỉ muốn kiếm được công việc có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng để trang trải gia đình cuộc sống để vượt qua giai đoạn khó khăn này chứ cũng chẳng mong sẽ có công việc lương cao", anh An chia sẻ.

Cũng như anh An, anh Lương Văn Thành (34 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng đang bị thất nghiệp và đi nhiều nơi để xin việc nhưng không thể. Anh thất nghiệp gần 1 tháng nay, đã tìm đến một số doanh nghiệp môi giới, cung ứng lao động để tìm kiếm cơ hội việc làm nhưng vẫn không được.

"Tìm việc bây giờ khó khăn lắm, có vài nơi tuyển nhưng cũng không có công việc phù hợp với khả năng của mình", anh Thành nói.

Chạy khắp 3 khu công nghiệp không tìm được việc lương 6 triệu đồng - 4

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương (Ảnh: Phạm Diện).

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, để góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, Sở đã phối hợp triển khai các giải pháp kết nối cung cầu lao động, điều tiết lao động từ doanh nghiệp không có đủ việc làm đến doanh nghiệp thiếu lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn, kịp thời kết nối thông tin, hỗ trợ người lao động tiếp cận với các vị trí việc làm, giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày.

 
Theo Phạm Diện (Báo Dân Trí)