Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình phục hồi kinh tế).
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc.
Đề xuất kéo dài thời gian giải ngân đến 2025
"Tình hình thế giới, trong nước từ đầu năm 2022 đến nay thay đổi nhanh, rất phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới, không thể dự báo", theo lời ông Dũng.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình phục hồi kinh tế cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm. Việc này tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023.
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết về khách quan, có một số doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không đăng ký thụ hưởng chính sách, xuất phát từ tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra.
Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ lần đầu được xây dựng và triển khai chưa có tiền lệ, cần thời gian để đánh giá cụ thể tác động chính sách trước khi ban hành.
Một số dự án quan trọng quốc gia thuộc ngành giao thông có quy mô lớn, dự án đường cao tốc, dự án có tính chất liên vùng, mới được triển khai thi công, cần thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định dẫn đến kết quả giải ngân kế hoạch vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế còn hạn chế.
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giảm 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi.
Trong đó, giảm 6.000 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay nhà ở chính sách xã hội; giảm 2.160 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; giảm 6.700 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm 1.240 tỷ đồng cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Đồng thời, Chính phủ đề xuất tăng 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình đến hết năm 2025.
Hỗ trợ thành công hàng triệu người
Cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá Nghị quyết 43 là chủ trương đúng đắn, kịp thời, là sáng kiến quan trọng đem đến nhiều kết quả tích cực.
Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, điều kiện sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cùng nhiều đối tượng khác còn đang gặp nhiều khó khăn, nên cần cân nhắc, nghiên cứu, rà soát kỹ việc cắt giảm các mức hỗ trợ theo chính sách đã đề ra.
Về việc cắt giảm kế hoạch vốn của chương trình đối với một số dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo ông Cường là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Cường lưu ý nhiều dự án đã được lựa chọn kỹ lưỡng khi đưa vào chương trình, nhất là các dự án liên quan đến chuyển đổi số, đào tạo nghề, tăng cường kết nối cung cầu lao động... Vì vậy, cần nghiên cứu thêm để có quyết định phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn, khối lượng nội dung lớn, nên quá trình tổ chức triển khai có một số nội dung không đạt được kế hoạch đặt ra.
Về vốn tín dụng chính sách xã hội, theo Thứ trưởng Hồi, đây là nội dung thực hiện thành công, hỗ trợ cho hàng triệu hộ gia đình, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế nông thôn. Chính sách này cũng góp phần hút số lao động bị mất việc làm ở khu vực công nghiệp, khu vực xuất khẩu lao động bị mất việc làm vào làm việc, ổn định xã hội.
Về nội dung hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động, theo dự toán Nghị quyết 43 sẽ hỗ trợ cho 4,4 triệu lao động. Thực tế, Thứ trưởng Bộ Lao động cho biết các địa phương đã hỗ trợ cho khoảng 5 triệu lao động, sử dụng trong phạm vi kinh phí Quốc hội cho phép.
"Tuy nhiên, thời gian kéo dài hơn so với dự kiến do người lao động muốn đợi gộp 3 tháng lĩnh một lần", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.
Về nâng cấp, hiện đại hóa 11 cơ sở trợ giúp xã hội, 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Hồi cho biết các địa phương đang thực hiện tốt, cơ bản thực hiện đúng theo tiến độ Quốc hội giao.
Với một số dự án của Bộ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội giảm số vốn đối với 5 dự án, do các cơ sở y tế của Bộ vừa có chức năng phục hồi, vừa có chức năng trợ giúp xã hội, nên Bộ đã thống nhất với Kiểm toán Nhà nước đưa ra đề xuất này.