Hội nghị của Chính phủ về phát triển thị trường lao động
Hội nghị của Chính phủ trực tuyến tới tất cả các tỉnh, thành hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
2 ngày trước
Thủ tướng giao Bộ Lao động sớm trình văn bản về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nhân lực
IMG_8841.JPG

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH.

Ông lưu ý trước hết việc nâng cao nhận thức về thị trường lao động. Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...

Thứ hai, hướng thị trường theo tiêu chí hiện đại với hệ thống quản trị sao để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời và sát với nhu cầu thực tiễn.

Thứ ba, chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là người lao động. Nhiều chỉ số của thị trường lao động như tỷ lệ người có/thiếu việc làm, tỷ lệ tạo việc làm mới, theo Thủ tướng, là dữ liệu quan trọng để đánh giá tình hình nền kinh tế cũng như để dự bảo có tương lai.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho chuyển đổi số, chuyển đổi nang lượng, việc làm cho đối tượng yếu thế.

Thứ năm, cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước.

Thủ tướng đánh giá, việc này Việt Nam đang đi đúng hướng, đầu tư hạ tầng để tạo không gian phát triển mới, để người dân địa phương có cơ hội công ăn việc làm, để giữ chân người lao động tại chỗ, giảm tình trạng di cư thiếu kiểm soát. Ông cũng nhắc đến chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội đang được triển khai như là một giải pháp hỗ trợ người lao động.

Thứ sáu, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ bảy, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16 và Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.

Thủ tướng lưu ý thực trạng thiếu hụt cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Chủ tương của Chính phủ, theo Thủ tướng, không tiếc tiền với việc đầu tư đào tạo, trong đó có đào tạo nghề nghiệp.

Thứ tám, rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ chín, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

Chốt lại, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH, sau hội nghị hôm nay, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành, với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị; nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Thủ tướng một văn bản, có thể là một Chỉ thị hoặc Nghị quyết về tập trung nguồn lực để phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nhân lực nhằm phục hồi nhanh kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2 ngày trước
Thủ tướng nêu 4 yêu cầu ổn định đất nước

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khái quát, từ năm 1986 bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, việc phát triển thị trường lao động đã đi được những bước rất dài. Đại dịch Covid-19 vừa qua thực sự là thuốc thử đối với thị trường này.

Hội nghị đã ghi nhận được 20 ý kiến phát biểu trong sáng 20/8 để phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị, khẳng định, Ban Tổ chức hội nghị tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH với việc tổ chức hội nghị hôm nay.

Thủ tướng nêu 4 yêu cầu với việc ổn định đất nước là ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; ổn định các thị trường quan trọng; ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị để phát triển kinh tế xã hội.

Đánh giá chung, Thủ tướng cho rằng, thị trường lao động đang phát triển tốt. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, hoàn thiện chưa thể đòi hỏi tất cả các vấn đề được giải quyết ngay mà những mâu thuẫn phát sinh chính là thúc đẩy sự phát triển. Quan trọng nhất, hàng năm, mức tăng trưởng được duy trì, thu nhập của người dân đều tăng lên.

IMG_8810.JPG

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Thủ tướng nêu một số câu hỏi gợi mở: Vì sao thu nhập bình quân của lao động Việt thấp hơn trung bình trong khu vực? Vì sao nhiều người phải rời bỏ quê nhà lên các thành phố lớn mưu sinh? Vì sao đời sống một bộ phận công nhân lao động còn khó khăn? Đó là những vấn đề được tập trung giải quyết tại hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc làm là nhu cầu thiết yếu của con người, thị trường lao động là một trong những cân đối lớn của nền kinh tế. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng điều tiết, vận hành thị trường lao động lành mạnh.

Thị trường cơ bản đã hình thành và từng bước vận hành theo đúng quy luật. Cụ thể, thị trường có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thể chế thị trường ngày càng toàn diện, quan hệ lao động được thiết lập hài hòa, hợp lý.

Chính sách an sinh xã hội với người lao động cơ bản được thực hiện tốt, trong đó có việc tăng cường bao phủ bảo hiểm xã hội để đảm bảo sàn an sinh cơ bản. Cung lao động luôn dương trong nhiều năm, cầu lao động cũng liên tục tăng do tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, mỗi năm tạo thêm được 1,6 triệu việc làm mới.

Nhà nước tập trung nâng cao trường lớp đào tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thủ tướng dẫn con số trên 50 triệu lao động có việc làm quý II/2020, tăng hơn 1% so với quý trước và 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh, các cuộc khủng hoàng làm bộc lộ những hạn chế bất cập của thị trường, đòi hỏi những câu trả lời, giải pháp phù hợp. Thủ tướng bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến, giải pháp được nêu ra tại hội nghị.

D600AE45-1B31-454E-BA81-DCA94074F7C2.jpeg

Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các chính sách đều lấy người dân làm trung tâm (Ảnh: Quốc Chính).

Ông điểm lại, thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động.

Tiếp theo, cân đối cung – cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng (còn thiếu thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo…). Hệ thống thông tin thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu. Lưới an sinh xã hội có độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao, mới thực hiện vai trò giá đỡ cho một phần của thị trường lao động.

Giáo dục đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan bộ, ngành, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tế. Năng lực quản trị, vận hành thị trường lao động còn yếu; chưa phát huy tốt vao trò kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ người lao động vượt qua các cú sốc…

Lãnh đạo Chính phủ đề cập, các gói hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trị giá khoảng 4% GDP (tương đương 340.000 tỷ đồng) theo Thủ tướng, tập trung vào lĩnh vực y tế, hỗ trợ người lao động, tập trung giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế, phát triển sản xuất kinh doanh…

“Tất cả các chính sách, như vậy đều lấy người dân làm trung tâm” – Thủ tướng khái quát. Theo đó, cả nước đang tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì chúng ta phải có được lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, làm chủ được công nghệ.

Cần có cơ chế kiến tạo, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao nhất để chính họ trở thành nguồn động lực phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2 ngày trước
Ngành ngân hàng không tuyển dụng lao động phổ thông

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao cách thức tổ chức hội nghị về phát triển thị trường lao động với sự tham gia của đông đảo các lực lượng, thể hiện những góc độ tiếp cận khác nhau, từ việc đào tạo tới chính sách tiền lương, cơ chế kiểm soát vĩ mô… Đó là những góc độ cần quan tâm toàn diện.

IMG_8832.JPG

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Ngành ngân hàng chỉ tuyển dụng lao động chất lượng cao (Ảnh: Quốc Chính).

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu ý kiến từ góc độ quản lý ngành, việc đảm bảo ổn định thu nhập thực tế của người lao động là quan trọng. Với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước kiên trì với việc kiểm soát lạm phát, níu giữ mức dưới 5%/năm để người dân, người lao động ổn định cuộc sống.

Chủ đề kiểm soát lạm pháp trong bối cảnh có những khó khăn trên thị trường lao động hết sức quan trọng, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định thực hiện. Cơ quan này cũng khẳng định đã tích cực tham gia các chương trình tái cấp vốn để hỗ trợ cho vay với doanh nghiệp để trả lương, duy trì việc làm, giữ chân người lao động cũng như chương trình cho vay tạo việc làm, đào tạo, hỗ trợ xuất khẩu lao động…

Sau cùng, Thống đốc kiến nghị, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh cách mạng công nghệ 4.0 và phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu theo từng khu vực phù hợp. Với ngành ngân hàng, lực lượng lao động chắc chắn không sử dụng rộng rãi, phổ thông mà đòi hỏi chất lượng rất cao, rất “tinh”.

2 ngày trước
Lưu ý nguồn nhân lực cho ngành thương mại điện tử

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ nhận định Covid-19 làm sâu sắc thêm những hạn chế của thị trường lao động việc làm nói riêng cũng như cả nền kinh tế nói chung. Dự báo tới đây công nghiệp Việt Nam tập trung phát triển công nghiệp xây dựng, công nghệ sản xuất thông minh, những ngành chế biến chế tạo có ưu thế của Việt Nam như chế biến nông sản, dệt may, da giày, điện tử…

IMG_8831.JPG

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Quốc Chính).

Ông lưu ý về không gian cho phát triển thương mại điện tử. Đây là ngành đang đòi hỏi nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn. Công nghệ cũng sẽ làm thay đổi không gian cho những ngành sử dụng lao động phổ thông lớn. Đó là một thách thức không nhỏ đối với việc chuyển đổi cơ cấu việc làm, đào tạo nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Công Thương đề cập, trong trung và dài hạn cần có chính sách hấp dẫn để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, thu hút nguồn nhân lực, trong đó trọng yếu là chính sách tiền lương, tiền thưởng, chế độ đãi ngộ. Các địa phương cũng phải cân đối, phát triển có trọng tâm trọng điểm, tránh những tác động khó lường như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Hoàn thiện chính sách an sinh để đảm bảo ổn định đời sống của người lao động. Phát huy vai trò của công đoàn, các tổ chức đại diện người lao động, các hiệp hội doanh nghiệp để bảo vệ cả sản xuất cũng như người lao động…

2 ngày trước
Tăng tốc tận dụng thời cơ dân số vàng, tránh rơi vào cảnh "chưa giàu đã già"
IMG_8829.JPG

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quốc Chính).

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực luôn là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước coi trọng, coi là nhiệm vụ đột phá chiến lược, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy nên việc Chính phủ tổ chức hội nghị này là hết sức ý nghĩa, quan trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Ông Dũng thống nhất sau hội nghị nên có Nghị quyết hoặc Chỉ thị của Thủ tướng hoặc Nghị quyết của Chính phủ để tạo sự chuyển biến trên thị trường lao động.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác điều hành thị trường, đồng thời đồng tình với những hạn chế Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quan tâm nhiều về tỷ lệ lao động có chứng chỉ còn thấp, mới đạt 26%, nhất là lao động quản lý, lao động chuyên gia. Năng suất lao động của Việt Nam, vì vậy rất thấp, kém hơn Trung Quốc 4 lần, Malaysia 7 lần, Singapore 16 lần. Việt Nam phát triển sau Thái Lan cũng tới 10 năm.

Thách thức với Việt Nam tới đây, theo ông Dũng, tốc độ già hóa của Việt Nam đang cao hơn mức dự báo. Ngay trước 2030, tiến trình già hóa dân số đã diễn ra rồi. Nếu không tranh thủ, tăng tốc nhanh để tận dụng thời cơ dân số vàng để phát triển đất nước thì dễ rơi vào cảnh “chưa giàu đã già”, chưa kịp phát triển đã lại phải quay sang lo gánh nặng an sinh xã hội.

Bộ trưởng KĐ-ĐT nêu 5 giải pháp trong ngắn hạn, 6 giải pháp trong dài hạn. Ngắn hạn, Bộ trưởng lưu ý đẩy mạnh đào tạo, kết nối cung – cầu lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về vượt qua khó khăn sau đại dịch, hướng dẫn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, huy động sử dụng mạng lưới tri thức người Việt trong và ngoài nước.

Dài hạn, Bộ trưởng muốn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nghề, kỹ năng nghiệp vụ; hoàn thiện thể chế để thu hút đầu tư, tiếp tục tạo nhiều việc làm mới; thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong kết nối cung – cầu lao động…

2 ngày trước
Phó Chủ tịch TPHCM báo cáo tín hiệu vui sau đại dịch
IMG_8803.JPG

Đại diện UBND TPHCM - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức - báo cáo khái quát, thành phố có lực lượng lao động rất lớn, tới hơn 6 triệu người. Tín hiệu vui sau đại dịch là hiện đã có hơn 37.000 doanh nghiệp thành lập mới với 112.000 lao động.

Trong 7 tháng đầu năm năm 2022, thành phố đã giải quyết việc làm cho 189.751 lượt lao động, trong đó, số chỗ việc làm mới được tạo ra là 84.742 chỗ (so với cùng kỳ năm 2021, số lao động được giải quyết việc làm tăng 11,14%; số chỗ việc làm mới tăng 9,67%). Số người lao động thất nghiệp được trợ cấp thất nghiệp là 87.666 người.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động phục hôì hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố đang khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; dự kiến có 1.757.100 lượt người có tham gia bảo hiểm xã hội tại thành phố được hỗ trợ tiền thuê nhà với kinh phí dự kiến chi là 932,57 tỷ đồng.

Tác động của dịch bệnh khiến thị trường lao động vẫn đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của tình trạng giảm việc làm, mất việc làm, dẫn đến giảm thu nhập, mất thu nhập tăng đáng kể, người lao động ở các tỉnh tạm thời quay về quê.

Từ quý I năm 2022, người lao động bắt đầu quay trở lại thành phố tìm kiếm làm việc, bổ sung được phần nào nguồn lực lao động thiếu hụt cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu nhân lực trong những tháng cuôí năm, TPHCM cần khoảng 135.000 chỗ làm việc (trong đó nhu cầu nhân lực trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao khoảng 20.000 - 25.000 chỗ làm việc).

2 ngày trước
Bắc Giang đã vượt đại dịch, hỗ trợ, phát triển 307.000 lao động ra sao?

Chuyển sang phần ý kiến của lãnh đạo các tỉnh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề cập việc địa phương vượt đại dịch, hỗ trợ, phát triển 307.000 lao động ra sao.

Theo ông, năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Bắc Giang là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước bị dịch Covid-19 tấn công nhanh, lây lan mạnh vào các khu công nghiệp. Tuy vậy, ngay sau khi dịch được khống chế, lao động tại các địa phương đã nhanh chóng trở lại làm việc; nhu cầu tuyển dụng gia tăng, số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp tăng hơn 40.000 người so với thời điểm trước dịch và hiện nay có trên 307.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Để giúp khôi phục nhanh các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, qua đó khôi phục lại thị trường lao động, Bắc Giang đang triển khai các giải pháp như: Tổ chức kiểm tra, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, ổn định sản xuất; tiếp nhận nhu cầu và hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động trở lại làm việc, hỗ trợ tuyển lao động mới cho doanh nghiệp; thẩm định, cấp phép nhà trọ, nơi lưu trú đủ điều kiện hoạt động trong điều kiện an toàn, phòng chống dịch để doanh nghiệp có cơ sở sắp xếp lại nơi ở an toàn cho lao động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc,...

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động phục vụ phục hôì, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào nhiều giải pháp.

Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp lụât về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp lụât trong các lĩnh vực trên, nhất là thực trạng sinh sống của người lao động quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hai là, hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nôí cung- cầu lao động trong toàn quốc, chia sẻ về dữ liệu lao động, dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.

Ba là, thường xuyên nắm tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; làm tốt công tác tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, thực hiện tốt việc nắm bắt kịp thời nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Bốn là, thúc đâỷ các xu thế chuyển dịch lao động tìm kiếm việc làm theo không gian, thời gian trên thị trường lao động, từ việc làm ở khu vực nông thôn, nông nghiệp sang việc làm ở khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; từ việc làm ở khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; dịch chuyển lao động từ các khu vực bên ngoài vào bên trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Năm là, cần đâỷ nhanh việc thực hiện các giải pháp đôỉ mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thụât cao.

2 ngày trước
"Vòng quay lao động qua doanh nghiệp còn lớn hơn vòng quay của vốn"
IMG_8825.JPG

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các chuyên gia bên lề hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề cập vấn đề chăm lo cho người lao động, như chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ nhà ở…

Trước tình hình quan hệ lao động có những biểu hiện phức tạp, cần phòng ngừa những tranh chấp lao động có thể phát sinh, Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động đã được đề ra như Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất, xây dựng kế hoạch. Tiếp nữa là chú trọng việc phát triển nguồn lao động cho các lĩnh vực sản xuất trọng yếu như điện tử, may mặc, da giày đang có biểu hiện thiếu hụt hiện nay; nâng cao năng lực đào tạo kỹ năng với người lao động để tăng năng suất lao động…

Về lâu dài, ông Khang cho rằng cần có dự báo sự phát triển thị trường, nhất là ở những ngành có hàm lượng tri thức cao, hàm lượng kỹ năng để cung ứng cho thị trường; xây dựng dữ liệu thông tin phục vụ cho thị trường và công bố thông tin về nhu cầu lao động đến từng dự án, chương trình cụ thể; đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ người lao động ở những địa bàn phát triển công nghiệp như nhà ở, nơi học tập, khám chữa bệnh cho người lao động và gia đình, con em của họ…

Ông Khang nêu một nghịch lý, vòng quay lao động qua doanh nghiệp còn lớn hơn vòng quay của vốn. Một doanh nghiệp chỉ có nhu cầu 15.000 lao động nhưng thực tế số lao động qua đây trong thời gian ngắn đã tới 27.000 lượt người. Điều đó cho thấy việc làm chưa thực sự bền vững.
 

2 ngày trước
TS. Bùi Sỹ Lợi: Tiền lương phải được hình thành theo quy luật thị trường

TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội, một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực lao động, việc làm - đề cập, thị trường lao động Việt Nam còn những hạn chế, chưa bắt kịp chuẩn mực nền kinh tế thị trường linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả. Việc này thể hiện ở chỗ thị trường phát triển chưa đồng bộ, chính sách chưa hoàn thiện, chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo hướng bền vững.

IMG_8827.JPG

TS. Bùi Sỹ Lợi.

Thị trường có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực và ngành, nghề. dẫn đến mất cân đối về cung - cầu lao động. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã làm cho thị trường lao động bị đứt gãy do giãn cách xã hội, lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ. Quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường lao động chưa hiện đại.

Cũng đối chiếu với chủ đề của hội nghị, ông Lợi cho rằng, cần phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả để thị trường lao động được vận hành đồng bộ với các thị trường vốn, đất đai, hàng hóa, dịch vụ, thông tin; giảm thiểu rào cản về địa lý, thủ tục để vận hành ổn định đúng với bản chất quan hệ cung - cầu, bảo đảm đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động; dần thu hẹp việc làm phi chính thức; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia và nhà quản lý vào Việt Nam làm việc.

“Trong nền kinh tế thị trường, phải chấp nhận khi sức lao động được xem là hàng hoá, thì tiền lương là hình thái biến tướng của giá trị hay giá cả sức lao động. Thông qua tiền lương, giá trị và giá cả sức lao động biểu hiện như là hình thái giá trị và giá cả của lao động. Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên cung - cầu về sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức độ cạnh tranh việc làm” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

2 ngày trước
"Đào tạo nghề cũng như đào tạo cả đời"
IMG_8809.JPG

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Điều hành hội nghị sau giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng LĐ-TB&XH mời đại diện UNDP phát biểu. Đại diện cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc đề cập tình trạng chưa có cơ chế bảo vệ người lao động cần thiết qua những khủng hoảng, như đại dịch Covid-19 vừa qua. Vấn đề lớn nhất chính là tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức rất cao mà đó là những nhóm dễ tổn thương lớn khi hầu hết không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Các cơ chế hiện nay, theo đại diện UNDP, hướng tới việc bảo vệ việc làm nhiều hơn là bảo vệ người lao động. Khuyến nghị chính sách, bà này nhấn mạnh đến chủ đề hội nghị là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Theo bà này, căn cứ vào đó, cần chú trọng đến những đối tượng dễ bị tổn thương như lao động nữ, lao động người dân tộc thiểu số.

IMG_8823.JPG

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các chuyên gia bên lề hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Đào tạo nghề cũng như đào tạo cả đời, theo đại diện UNDP sẽ mang đến thay đổi tích cực cho cả xã hội. Việc thu hẹp khoảng cách về giới cũng như các chương trình bảo hiểm rất quan trọng để hỗ trợ những người tạm thời mất việc có cơ hội vượt qua khủng hoảng, trở lại với việc làm, với thị trường lao động.

Đại diện UNDP cũng tái khẳng định cam kết của Liên Hợp Quốc với định hướng của Việt Nam, không hi sinh con người, xã hội vì tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

2 ngày trước
Thành công trong tái cơ cấu nền kinh tế và thị trường lao động
IMG_8821.JPG

Giám đốc tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam (Ảnh: Quốc Chính).

Giám đốc tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong những ví dụ thành công về tái cơ cấu nền kinh tế và thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều việc phải làm. Vấn đề là phải tăng cường được mối quan hệ giữa tăng năng suất lao động với thu nhập thỏa đáng, an sinh bền vững.

Một câu hỏi khác là làm sao để Việt Nam có thể thích ứng với những biến đổi liên tục? Đó là phải tăng cường đào tạo kỹ năng.

Một trong những ví dụ thành công của Việt Nam đó là mô hình liên kết, đối thoại giữa cơ quan làm chính sách với hệ thống doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng cần được huy động để tham gia vào quá trình đào tạo, tăng năng suất cũng như thu nhập của người lao động. Việc này phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam đến 2030.

Việt Nam cần đảm bảo có được môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, tôn trọng quyền lợi của người lao động theo tiêu chuẩn được đề ra trong các công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia. Các yêu cầu bình đẳng về giới tính, vùng miền, quốc tịch… cũng là điều kiện cần thiết.

IMG_8822.JPG

Đại diện tổ chức hợp tác quốc tế Đức (Ảnh: Quốc Chính).

Đại diện tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa liên bang Đức cho rằng, cải thiện thị trường lao động cần các biện pháp mang tính tích hợp. Đó là dịch vụ phục vụ việc kết nối cung – cầu thị trường, chính sách để thúc đẩy chất lượng đào tạo nhân lực.

Theo đánh giá của ông này, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đột phá và có làm được điều đó hay không phụ thuộc vào việc chất lượng nguồn nhân lực. Sớm thúc đẩy được thị trường lao động thích hợp là chìa khóa cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Cần xây dựng kỹ năng cơ bản cho các nhà hoạch định chính sách để có những thay đổi phù hợp. Cải thiện và số hóa thông tin về thị trường lao động, việc làm.

Nhắc lại phát biểu của trường cao đẳng Lilama 2, phía đối tác Đức khẳng định đó là một mô hình cho thấy sự thể chế hóa chính sách trong hợp tác giữa nhà trường, người lao động với doanh nghiệp sử dụng lao động. Khuyến nghị của phía Đức là tiếp tục đầu tư vào những trường đại học, cao đẳng chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
 

2 ngày trước
Việt Nam đứng gần cuối bảng về nhân lực chất lượng cao
IMG_8820.JPG

Đại diện Ngân hàng thế giới phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Phần phát biểu của đại diện Ngân hàng thế giới (WB), bà này đánh giá cao định hướng phát triển nguồn nhân lực như là một trong những chiến lược đột phá quan trọng nhất. Thực tế, Việt Nam chưa có được nguồn nhân lực chất lượng tốt, kỹ năng cao.

Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về nhân lực sau đào tạo trong khi vị trí của Singapore là 19. Con số đó, theo đại diện WB, nói lên nhiều điều. Các con số cũng cho thấy khoảng cách lớn giữa cung và cầu lao động tại Việt Nam hiện nay.

Bản báo cáo về điều tra thị trường năm 2020 cho thấy tỷ lệ lao động tốt nghiệp cao học, đại học tại Việt Nam thấp hơn 1/3 so với các nước có mức thu nhập trung bình. Tỷ lệ lao động có chứng chỉ đào tạo cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Á khác.

Trong khi đó việc làm và thị trường lao động đã thay đổi rất nhanh chóng. Số lượng việc làm đơn giản ngày càng giảm. Thị trường đòi hỏi người lao động ngày càng phải có kỹ năng hơn.

Đại diện WB kiến nghị tăng cường vai trò của đào tạo, thúc đẩy sự đóng góp cao hơn của người lao động trong suốt cuộc đời làm việc của họ, tăng cường mối liên hệ liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề…

2 ngày trước
Khai thác triệt để kỹ năng của người đi xuất khẩu lao động về

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân nêu con số 800.000 doanh nghiệp, chiếm tới 98% doanh nghiệp hiện nay.

Thời gian qua, Chính phủ cũng như Bộ Lao động đã có nhiều giải pháp kịp thời giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua được giai đoạn dịch bệnh khó khăn hơn 2 năm qua.

IMG_8819.JPG

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân (Ảnh: Quốc Chính).

Ông Thân tán thành ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng như tập đoàn Sungroup nêu ra là, nhu cầu rất lớn của thị trường cũng như nguồn nhân lực đào tạo không hề nhỏ các trường nghề đào tạo ra nhưng vấn đề tại sao 2 khâu này không kết nối được với nhau? Điều này, theo ông Thân, phải dựa vào vai trò điều phối của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị xem xét lại chế độ tiền lương, phải có chế độ chính sách đãi ngộ khác biệt với nhân lực chất lượng cao, tay nghề tốt, hạn chế tình trạng cào bằng như hiện nay. Tiền lương phải đáp ứng được mong muốn của lực lượng này, nếu không muốn để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, chảy máu nguồn nhân lực.

Yêu cầu khác về giải pháp cho thị trường lao động, theo ông Thân là dịch chuyển lao động giữa trong nước và ngoài nước. Thực tế thị trường có chỗ thiếu nhưng cũng không ít chỗ thừa lao động. Làm sao để người lao động xuất khẩu lao động về phải tiếp tục có việc làm để khai thác, tận dụng được kỹ năng đã học được. Thiết thực nhất là làm sao để với số tiền tích lũy được sau mấy năm làm việc ở nước ngoài, người ta có thể mua được căn nhà ở xã hội ở những đô thị công nghiệp, có việc làm để duy trì cuộc sống gia đình, tiếp tục công việc đã được đào tạo.

2 ngày trước
Hai thách thức lớn của lao động trong nước

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị 3 giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động.

IMG_8818.JPG

Đại diện Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (Ảnh: Quốc Chính).

Trước hết, ông này đề cập, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã quyết liệt chỉ đạo Bộ, ngành và địa phương triển khai linh hoạt và sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp đâỷ nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước sau đại dịch Covid-19, giúp cho các doanh nghiệp lâý lại được nhịp độ tăng trưởng mới, đồng thời mang lại hiệu quả rõ rệt đôí với sự khởi sắc của thị trường lao động Việt Nam.

So sánh tình hình hiện nay với một năm trước, khi dòng người di cư lũ lượt rời các thành phố, khu công nghiệp, với số lượng tới hơn 2 triệu người, theo đại diện VCCI, thật khó hình dung chặng đường đã đi qua.

Báo cáo quý II/2022 của Tổng cục Thống kê cho thâý lực lượng lao động đang tăng nhanh trở lại, tình trạng thiếu việc làm được cải thiện đáng kể trên cả nước, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 giảm mạnh, thu nhập bình quân của người lao động quý II tiếp tục ghi nhận mức tăng so với quý trước...

Tuy nhiên, lao động trong nước đang gặp phải hai vấn đề thách thức lớn, đó là: thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và tự động hóa khiến cho yêu cầu về kỹ năng của người lao động cũng thay đổi nhanh hơn, chu kỳ thay đổi cũng ngắn hơn.

Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%).

Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%), điều này phản ánh xu hướng khó khăn chung trên toàn cầu. Điều này hạn chế khả năng phát triển nghề nghiệp của người lao động và ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động.

Để khắc phục hạn chế này, VCCI kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành các quy định hướng dẫn tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp (thời gian, nội dung, yêu cầu về giáo viên và cơ sở vật chất), cơ chế hợp tác giữa nhà trường/cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp.

Điều này tạo điều kiện khuyến khích người lao động liên tục học tập trau dôì kỹ năng để đạt được những vị trí và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện và đầu tư thỏa đáng vào việc đào tạo kỹ năng cho người lao động một cách toàn diện.

Tiếp đó, Chính phủ xem xét có những ưu đãi cụ thể về thuế cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp; xem xét, nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị chứng minh được việc thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động (thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay thì nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự như trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật...).

Hiện tại, luật giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, điều này hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đó là chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động của doanh nghiệp.

Cuối cùng là chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phôí hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia, đảm bảo các phương án đào tạo được thực hiện phù hợp với nhu cầu vị trí làm việc của doanh nghiệp.

2 ngày trước
Mô hình đào tạo kép kết nối người học nghề và người sử dụng lao động

Hiệu trưởng trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 nói về kinh nghiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới, nhất là thị trường khó tính như Đức.

Một trong những cột mốc phát triển của trường là xây dựng được trung tâm đào tạo xuất sắc với các ngành như cơ điện, điện tử theo tiêu chuẩn châu Âu để đào tạo nhân lực.

Theo đó, trường đã hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu của Đức, từ Bosch tới Mecerdec Benz… để đào tạo nguồn nhân lực.

Để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động khi ra trường, hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh ý nghĩa của mô hình đào tạo kép, phối hợp giữa cả người học và người sử dụng lao động sau đào tạo. Theo mô hình này, trường đã đào tạo được hơn 1.000 lao động được đặt hàng. Mô hình cũng đang được nhân rộng ra 11 trường khác, như trường nghề Việt – Hàn ở Bắc Giang.

Với kinh nghiệm triển khai các mô hình đào tạo phối hợp được phía Đức chuyển giao, vị hiệu trưởng này mong muốn mở rộng được mô hình theo đặc trưng của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu các đơn đặt hàng của doanh nghiệp trong nước.

Vấn đề đặt ra, chi phí đào tạo nghề thực sự rất lớn nên cần có cơ chế hỗ trợ sinh viên để tham gia những khóa học, đào tạo chất lượng cao như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.

2 ngày trước
Chính phủ lắng nghe ý kiến "nói thẳng, nói thật" của các tập đoàn lớn
IMG_8811.JPG

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Quốc Chính).

Điều hành nội dung thảo luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần “nói thẳng, nói thật”. Phó Thủ tướng mong muốn trước hết nghe ý kiến từ các tập đoàn kinh tế lớn, những đơn vị sử dụng nhiều lao động nhất hiện nay.

IMG_8812.JPG

Đại diện tập đoàn Sungroup nêu quan điểm về đào tạo, hướng nghiệp (Ảnh: Quốc Chính).

Đại diện tập đoàn Sungroup nêu con số nhu cầu cần tới 15.000 lao động trong ngành du lịch hiện nay trong khi số nhân lực đã nghỉ việc do dịch Covid-19 trong toàn ngành thời gian qua rất lớn. Đại diện tập đoàn này cho rằng, giải pháp trước hết cần là đổi mới mô hình đào tạo, hướng nghiệp, như mô hình Singapore đã từng áp dụng hơn 20 năm trước.

Tổng Giám đốc Sungroup cũng kiến nghị các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội với người lao động tại các doanh nghiệp, trước hết là vấn đề nhà ở, điều kiện sinh hoạt. Tiếp đó, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ.

IMG_8813.JPG

Đại diện tập đoàn Vingroup mong muốn tuyển dụng nhiều lao động trình độ tối thiểu là đại học (Ảnh: Quốc Chính).

Đại diện tập đoàn Vingroup nêu dự kiến tăng nhân sự tới 152.000 người lao động trong những năm tới. Thực tế, nhu cầu nhân lực của tập đoàn này rất phong phú, từ người lao động phổ thông tới nhân sự chất lượng cao, nhân lực quản lý, chuyên gia cấp cao có chất lượng quốc tế.

Vingroup mong muốn tới đây tuyển dụng được rất nhiều lao động với trình độ tối thiểu là đại học, chủ yếu dành cho phát triển Vinfast. Cùng với việc mở rộng nhà máy sản xuất pin tại Vũng Áng, khu công nghiệp ô tô tại Hải Phòng, Vingroup cần tuyển 80.000-100.000 nhân lực trong 5 năm tới.

Doanh nghiệp cũng cần địa phương giúp cung cấp nguồn nhân lực số lượng lớn, đã qua đào tạo cơ bản để có được tâm thế của người lao động công nghiệp, tuân thủ kỷ luật lao động tốt.

Đại diện tập đoàn Thaco Trường Hải trình bày về định hướng để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển giao công nghệ ô tô. Thaco thực tế đang tạo hàng trăm ngàn việc làm mỗi năm. Thời gian qua, doanh nghiệp tăng cường trước hết việc tuyển dụng lao động tại chỗ, giải quyết việc làm tại địa phương nơi tập đoàn này đầu tư.

Doanh nghiệp đã chủ động mở trường cao đẳng để tự đào tạo nguồn nhân lực của mình. Hơn 2.000 lao động đã được doanh nghiệp tự đào tạo thời gian qua, chủ yếu là trình độ trung cấp, cao đẳng. Tới đây, doanh nghiệp sẽ mở rộng đào tạo kỹ sư, nhân lực trình độ đại học cho những nhu cầu của tập đoàn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tuyển dụng nhân sự quốc tế, chuyên gia từ Hàn Quốc, Nhật Bản theo đặc thù ngành nghề công nghiệp ô tô của tập đoàn. Phát triển nhân sự, theo đó, là trách nhiệm và mục tiêu của doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp đề nghị nhiều giải pháp như: chú trọng tổ chức lại hệ thống giáo dục từ phổ thông tới dạy nghề theo hướng hiện đại, tiếp cận các nước trong khu vực; hạn chế tình trạng đào tạo ra không có việc làm hoặc phải đào tạo lại; dự báo xu hướng và nhu cầu lao động chính xác cho thời gian tới; từng bước chuẩn hóa đào tạo nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hút nhân tài, chuyên gia cao cấp từ quốc tế đến làm việc tại Việt Nam.

IMG_8815.JPG

Đại diện tập đoàn Pouchen tại hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Đại diện tập đoàn Pouchen cho biết, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994, đến nay đã có 28 năm đóng chân trên mảnh đất hình chữ S này. Vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực với tập đoàn sản xuất giày thể thao, ngành cần sử dụng lượng rát lớn loa động hiện nay. 5 nhà máy của Pouchen trong giai đoạn dịch đã phải đóng cửa, dừng hoạt động, mất rất nhiều lao động. Trước đó, tổng số lao động khoảng 130.000 người, mất 5% do dịch bệnh.

Cả người lao động và doanh nghiệp cùng gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Hỗ trợ lớn nhất của Chính phủ thời gian đó là ưu tiên nguồn vaccine để có thể đạt miễn dịch cộng đồng, sớm trở lại nhà máy. Sau đó là chính sách các gói hỗ trợ an sinh, gần nhất là gói hỗ trợ tiền thuê nhà với người lao động.

Việc thiếu hụt 5% lực lượng lao động do dịch, đến nay Pouchen đang cố gắng khắc phục. Nhu cầu tuyển dụng lao động địa phương bổ sung là rất lớn, trong bối cảnh khan hiếm lao động ngành da giày hiện nay. Doanh nghệp mong muốn hợp tác với các trường đào tạo nghề. Lâu dài, việc xây dựng các trường đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng chuyên môn là rất cần thiết, nhất là các tỉnh phía Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thêm, Pouchen là một doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động rất lớn mà hầu hết công nghân, người lao động ở trong các khu nhà trọ. Thực tế, trong suốt đợt dịch, doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với TPHCM để có biện pháp hỗ trợ người lao động của mình trong lúc khó khăn, để giữ chân được nhiều công nhân nhất có thể nhằm phục hồi sớm sản xuất sau dịch.

Đại diện doanh nghiệp tuyển dụng ManPower đề cập việc thay đổi phương thức làm việc để đáp ứng nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp. Ông này nêu thực tế, tỷ lệ người lao động Việt Nam đạt tay nghề kỹ năng cao chỉ mới đạt 11%, tỷ lệ người đủ vốn tiếng Anh đề làm việc chỉ 5%. Đó là những hạn chế rất lớn, chưa thể cạnh tranh so với lao động trong khu vực.

Mức thu nhập của lao động việt Nam chỉ 300 USD/tháng so với mức 700 USD/tháng của khu vực. Nhân lực giá rẻ cũng được xem là lợi thế của Việt Nam với việc thu hút đầu tư FDI nhưng như vậy thì sẽ chỉ dừng ở mức gia công sản phẩm. Khi doanh nghiệp sử dụng lao động đưa công nghệ mới vào để sản xuất thì người lao động Việt không đáp ứng được.

Tính linh hoạt, cơ chế làm việc từ xa cũng là vấn đề được đại diện công ty cung cấp nguồn nhân lực trình bày tại hội nghị. Đó là những kỹ năng thiếu hụt với người lao động Việt.
 
 
 

2 ngày trước
Những giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch và phát triển ổn định bền vững

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu 4 giải pháp nhằm phục hồi, ổn định thị trường lao động sau đại dịch Covid-19:

1) Tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước: Thị trường lao động Việt Nam minh bạch, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

2) Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

3) Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

4) Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.

IMG_8805.JPG

Nhiều chuyên gia nước ngoài cùng dự hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập cần 7 giải pháp lâu dài:

1) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

2) Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

3) Nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

4) Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước – trong – sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối,… Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

5) Đầu tư công tác dự báo cung – cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.

6) Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

7) Phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động trình độ cao.

2 ngày trước
Bốn điểm hạn chế của thị trường lao động

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát những điểm hạn chế của thị trường lao động hiện nay.

Trước hết, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn…, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thứ ba, chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao.

Thứ tư, một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I năm 2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

IMG_8808.JPG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát những điểm hạn chế của thị trường lao động hiện nay (Ảnh: Quốc Chính).

Những yêu cầu, thách thức với việc phát triển thị trường Việt Nam, theo người đứng đầu ngành lao động là đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, đặc biệt là về nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; thúc đẩy chuyển dịch thị trường từ khu vực phi chính thức, bấp bênh, rủi ro sang khu vực chính thức gắn với việc mở rộng lưới an sinh xã hội cho mọi người lao động thông qua chính sách bảo hiểm xã hội; cân đối lại cung – cầu lao động, khắc phục tình trạng phát triển không đồng đều, mất cân đối cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề; giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ tại một số địa bàn, địa phương.

2 ngày trước
Trí tuệ nhân tạo, robot sẽ thay thế nhiều vị trí việc làm của con người

Bên cạnh những khó khăn chung của toàn cầu, thị trường lao động trong nước cũng đang chịu những ảnh hưởng mạnh do đại dịch Covid-19.

Tính trong quý II, cả nước vẫn còn hơn 8 triệu người từ 15 tuôỉ trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong đó có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.

Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới; nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.

So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II năm 2022 mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động học tin học.

2 ngày trước
Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ điểm mạnh, điểm yếu của thị trường lao động

Báo cáo về tình hình thị trường lao động hiện tại, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhắc lại phát biểu của Thủ tướng, cùng với thị trường hàng hóa dịch vụ, tài chính tiền tệ, khoa học công nghệ và bất động sản, thị trường lao động là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế.

IMG_8807.JPG

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo tình hình thị trường lao động hiện tại (Ảnh: Quốc Chính).

Sau 35 đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế.

Trong đó, đã từng bước tạo được khuôn khổ thể chế, chính sách ngày càng hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung ứng lao động tăng lên, chất lượng việc làm dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa một phần việc làm phi chính thức; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đưa ra nhận định: các giải pháp phát triển thị trường lao động được chú trọng thực hiện; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung – cầu lao động và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động được tăng cường. Chất lượng việc làm dần được cải thiện, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức dần dịch chuyển sang khu vực chính thức. Quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá.

Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao. Công tác đào tạo nhân lực đã có những đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng. Mặc dù vậy từ năm 2020-2022 thị trường lao động Việt Nam cũng vừa bị tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, qua đó bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, những điểm yếu, hạn chế những nhân tố cần quan tâm khai thác để phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong ngắn và dài hạn.

2 ngày trước
Vừa đảm bảo yếu tố thị trường vừa đảm bảo yếu tố xã hội
IMG_8802.JPG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Nhắc đến chủ đề của hội nghị, Thủ tướng yêu cầu cùng đánh giá những việc đã làm được trong công tác điều hành thị trường lao động thời gian qua, đồng thời có những giải pháp để giải quyết, xử lý vấn đề trong thời gian tới, nhất là việc ứng phó với những cú sốc có thể đến, như đại dịch Covid-19.

Thủ tướng điểm lại những việc đã thực hiện thời gian qua để giải quyết các vấn đề với thị trường vốn, thị trường bất động sản. Hôm nay, Chính phủ tiếp tục tổ chức hội nghị để bàn hướng phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Các hội nghị như vậy, rất tổng thể, bài bản để ổn định, lành mạnh hoát hoạt động của các loại thị trường quan trọng, chủ chốt nhất với nền kinh tế.

Nhấn mạnh tinh thần cầu thị, Thủ tướng mong muốn được lắng nghe các ý kiến thẳng thắn từ các lãnh đạo, chuyên gia trong và ngoài nước. Thủ tướng gợi ý hướng thảo luận về việc đổi mới cơ chế chính sách quản lý thị trường lao động để thị trường phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xuyên suốt trong đường lối của Việt Nam là lấy con người làm trung tâm, phát huy tối đa yếu tố con người, tôn trọng, khuyến khích sự vận hành khách quan của thị trường nhưng vẫn phải giữ định hướng xã hội chủ nghĩa. Vừa đảm bảo yếu tố thị trường và đảm bảo yếu tố xã hội sẽ góp phần làm ổn định tình hình kinh tế xã hội đất nước. Hướng thảo luận tiếp theo là giải pháp nào để khắc phục những tác động bất lợi, trong đó có vấn đề đại dịch Covid-19, tình hình cạnh tranh chiến lược trên thế giới…

2 ngày trước
"Lao động là một trong bốn thị trường hết sức quan trọng với nền kinh tế đất nước"

Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng KH-ĐT, Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng GD-ĐT, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước…

8361AB65-937A-4AAC-9CFD-9F5A1A707687.jpeg

Toàn cảnh hội nghị phát triển thị trường lao động sáng 20/8 (Ảnh: Quốc Chính).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội nghị được tổ chức với quy mô toàn quốc. Thủ tướng nêu rõ, lao động là một trong bốn thị trường hết sức quan trọng với nền kinh tế đất nước. Điều đó cũng phù hợp với định hướng phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

Đảng, Nhà nước đã dành nhiều quan tâm, điều hành thị trường quan trọng này. Tuy nhiên, thực tế, thị trường lao động vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, tồn tại. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu kém cần khắc phục. Việc phát triển thị trường lao động còn nhiều khó khăn, thách thức phải giải quyết trong thời gian dài. 

Hội nghị với chủ đề "phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" diễn ra theo hình thức trực tuyến tới từng tỉnh thành, với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ LĐ-TB&XH, KH-ĐT, Tài chính, Tư pháp, Thông tin - Truyền thông, Công Thương, NN&PTNT, Nội vụ, Văn hóa - Thể thao & Du lịch, GD-ĐT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, Chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm.

Tại điểm cầu ở các địa phương, có sự tham gia của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, lãnh đạo các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường cao đẳng nghề trên địa bàn.

Chính phủ lắng nghe lời nói thẳng nói thật phát triển thị trường lao động - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" (Ảnh: VGP).

Hội nghị được tổ chức theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả đi kèm với sự sáng tạo và đổi mới, từng bước phát triển thị trường lao động Việt Nam.

Yêu cầu đặt ra với thị trường này là thích ứng, đáp ứng tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa nguồn nhân lực thực sự là động lực cho phát triển kinh tế xã hội.

Đánh giá thực tế, thị trường lao động hiện vẫn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém. Trước những "cú sốc" như đại dịch Covid-19 vừa qua, thị trường đã bộc lộ không ít bất cập.

"Hậu Covid", cả nước đang đứng trước áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển...

Qua đó, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy việc khôi phục thị trường lao động "hậu Covid-19", để phục vụ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. 

Theo https://dantri.com.vn