Chương trình giảm nghèo đã giúp các hộ trong diện hỗ trợ cải thiện đời sống, tăng thu nhập

Từ nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh và địa phương, huyện Tri Tôn triển khai thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình, tập trung là xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư năm 2022 và 2023 gần 166,9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 45,6 tỷ đồng. Huyện đã phân bổ thực hiện 21 công trình đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH); phân bổ các xã, thị trấn triển khai 24 mô hình thuộc dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tri Tôn Lộ Thị Ngọc Hằng thông tin, riêng dự án 2 - đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong năm nay huyện có 14 dự án được hỗ trợ thực hiện tại 13 xã, thị trấn, tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Có 277 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ khó khăn đăng ký được phê duyệt tham gia dự án. Huyện Tri Tôn hiện còn 2.900 hộ (chiếm 8,65%), giảm 2,2% số hộ nghèo so với đầu giai đoạn.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly cho biết, tiếp nối kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, sau 3 năm (giai đoạn 2021 - 2023), thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã có tác động hiệu quả đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển KTXH của tỉnh. Cụ thể, về hộ nghèo, giai đoạn 2021 - 2022 giảm bình quân 1,02%/năm; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,08%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2,2%, từ 10,85% xuống còn 8,65% (bắt đầu thực hiện từ năm 2022 theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Cũng trong giai đoạn 2021 - 2022, số hộ cận nghèo giảm bình quân 1,09%/năm. “Nhìn chung, các chủ trương, chính sách về phát triển KTXH và giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, được Nhân dân phấn khởi đón nhận. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, góp phần phát triển KTXH địa phương” - ông Châu Văn Ly chia sẻ.

Các dự án (7 dự án) thuộc chương trình được triển khai theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện KTXH của địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, góp phần vào thành công các dự án. Mục tiêu đề ra cơ bản đạt được, có tác động tích cực đối với công tác chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội cho người nghèo, nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động nói riêng và quá trình phát triển KTXH nói chung. Đời sống tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt; nhất là đối tượng dễ bị tổn thương, như: Người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; góp phần vào phát triển KTXH, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chương trình còn được đánh giá thiết kế cân đối, phù hợp, cơ bản đảm bảo hỗ trợ cho các đối tượng. Việc bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của địa phương; phân cấp, quản lý cho địa phương trong thực hiện chương trình góp phần thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra. Đầu tư của Nhà nước cho chương trình ngày càng tăng và huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn trong cuộc sống, đặt biệt là huyện nghèo từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Trong thời gian còn lại của chương trình, tỉnh phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia đến năm 2025. Hỗ trợ ít nhất 150 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho 3.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Trên cơ sở cơ chế phân bổ vốn từ Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh, tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn bằng các nguồn huy động trong xã hội, đóng góp của Nhân dân, lồng ghép các nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của địa phương, mục đích mang lại hiệu quả tốt nhất của chương trình.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân từ 01 - 1,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm bình quân 2%/năm. Cả hệ thống chính trị quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình theo đúng kế hoạch đề ra, phù hợp điều kiện KTXH của địa phương và do các hộ dân đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, góp phần vào thành công các dự án. Cùng với đó, phấn đấu giải ngân 100% các nguồn vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình theo đúng quy định. Phấn đấu đưa huyện nghèo (huyện Tri Tôn) thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương...

 
Theo Hoài Anh (Báo An Giang)