Tuyển 1.000 người chỉ... vài hồ sơ ứng tuyển

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngày 7/11, có ít nhất 5 công ty trong KCN Đồng An, TP Thuận An (Bình Dương) tiếp tục đặt bàn, đưa nhân sự ra phía trước cổng công ty để chờ người lao động đến nộp hồ sơ ứng tuyển. Các công ty này đang thực sự "khát" lao động cho các đơn hàng cuối năm nhưng tuyển mãi vẫn không đủ yêu cầu.  

Điểm đặc biệt, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng các công ty trên đều đưa ra mức thu nhập khá cao, từ 8-14 triệu đồng/tháng, cùng hàng loạt đãi ngộ khác. 

Chuyện lạ: Doanh nghiệp trả lương 14 triệu đồng, công nhân vẫn làm ngơ - 1

Công ty may tuyển dụng số lượng lớn nhưng một buổi sáng chưa đến 10 người đến xin việc (Ảnh: Phạm Diện).

Ghi nhận tại công ty may mặc Leading Star Việt Nam, rất nhiều bảng tuyển dụng được đặt ở xung quanh công ty và các ngã tư bên trong KCN. Công ty còn phân bổ nhân sự ngồi chờ người đến nộp hồ sơ ở 2 điểm cách nhau chỉ khoảng 100m.

Công ty này đang có nhu cầu tuyển dụng 1.000 công nhân may, kiểm hàng. Dù vậy, cả ngày cũng chỉ khoảng chục người đến ứng tuyển. 

Các công ty còn lại có nhu cầu tuyển dụng từ 100-500 công nhân cũng gặp tình trạng tương tự. Người đi xin việc trong KCN rất ít.

Chuyện lạ: Doanh nghiệp trả lương 14 triệu đồng, công nhân vẫn làm ngơ - 2

Công ty may mặc Leading Star Việt Nam đang cần tuyển số lượng 1.000 công nhân (Ảnh: Phạm Diện).

Đến khoảng 9h30, khi đã vắng người qua lại và không có người đến nộp hồ sơ, những nhân sự của công ty bắt đầu dọn dẹp giấy tờ, di chuyển vào phía trong công ty.

Nam nhân sự một công ty may mặc trong KCN Đồng An, cho biết, thời điểm này người lao động đi xin việc rất ít. Nguyên nhân do trước đó công nhân phải nghỉ việc do không có đơn hàng nên họ đã đi tìm công việc mới. Khi có đơn hàng trở lại, công ty bắt đầu tuyển dụng thì rất khó để tìm được người lao động.

"Cuối năm, rất ít người đi xin việc. Những người đi xin việc hiện tại có thể họ đã đóng đủ năm để rút bảo hiểm xã hội nên mới nghỉ công ty cũ, đi tìm việc làm mới trong thời gian này. Ngoài ra, hầu hết người lao động đã có công việc ổn định trong năm", nam nhân sự công ty chia sẻ.

 Lao động rời bỏ thành phố?

Trước đó, trả lời báo chí tại một sự kiện về ngành may mặc, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch hiệp hội dệt may Bình Dương, cho biết, trước đây, lương công nhân có tay nghề từ 13-15 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, khi đơn hàng sụt giảm, thu nhập của người lao động chỉ còn khoảng 60%. 

Việc thu nhập sụt giảm đã kéo dài đến 9 tháng khiến người lao động không đủ trang trải cuộc sống, nhiều người phải nghỉ việc để về quê và tỷ lệ lớn không lên lại thành phố.

Chuyện lạ: Doanh nghiệp trả lương 14 triệu đồng, công nhân vẫn làm ngơ - 3

Ngành may mặc có đơn hàng mới nhưng lại thiếu hụt lao động (Ảnh minh họa: Phạm Diện).

Ngoài ra, công nhân có tay nghề cũng nhảy việc liên tục nếu doanh nghiệp khác có đơn hàng và trả lương cao. Chính vì vậy, ngành dệt may luôn trong tình trạng thiếu lao động.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong 10 tháng, có 32.000 lao động ở tỉnh được nhận việc làm.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, hiện doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thông qua Trung tâm khoảng gần 3.000 lao động phổ thông (trong đó chủ yếu là công nhân may).

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như người lao động, Trung tâm đã thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp gửi đến người lao động. Trung tâm luôn là cầu nối trung gian để chủ động giới thiệu đến người lao động các công việc phù hợp, với mức lương tương xứng. 

 
Theo Phạm Diện (Báo Dân Trí)