Tại Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn, UBND huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm năm 2024. Hoạt động nằm trong Tiểu dự án 2, Tiểu dự án 3 của Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững), thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Có 18 công ty, DN trong lĩnh vực viễn thông, phát triển nguồn nhân lực, tài chính, cung ứng nhân lực quốc tế; cơ sở giáo dục và gần 1.000 NLĐ, học sinh lớp 12 trên địa bàn huyện tham gia.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (đại diện Tập đoàn ICO Group tại An Giang) chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy, vấn đề hội nhập đào tạo và lao động quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng của từng địa phương. Các bạn trẻ muốn có bằng cấp, chứng chỉ quốc tế và đào tạo trong môi trường giáo dục hiện đại, đạt tiêu chuẩn công dân toàn cầu, có thể chọn hướng đi du học sau khi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn nâng cao tay nghề, học hỏi thêm kinh nghiệm làm việc, tích lũy tài chính, có thể chọn con đường xuất khẩu lao động”.

 

 

Đây là cơ hội tìm kiếm việc làm trong dịp cuối năm của người lao động

Đến với ngày hội, NLĐ, học sinh, sinh viên được tìm hiểu, thông tin về ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao, mức thu nhập hấp dẫn, phù hợp với điều kiện bản thân; các nghề đào tạo, cơ hội việc làm ngay khi ra trường. Họ còn được thông tin về chính sách, nhu cầu tuyển dụng của công ty, DN; tìm hiểu quy trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…); điều kiện, thời gian, chi phí, mức lương, chế độ đãi ngộ khi tham gia xuất khẩu lao động...

Vừa hoàn thành chương trình làm việc nước ngoài theo hợp đồng lao động, Neáng Chanh Thươn (thị trấn Tri Tôn) cho biết, gia đình chị trước đây thuộc diện hộ nghèo, bản thân không có việc làm ổn định. Năm 2017, chị quyết định đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, làm việc cho công ty chế biến thực phẩm. “Công việc mang lại nguồn thu nhập 28 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì còn 19 - 20 triệu đồng. Số tiền còn lại, tôi gửi về gia đình trả nợ khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Kết thúc hợp đồng lao động, tôi trở về địa phương, tích góp khoảng 500 triệu đồng. Số tiền này giúp tôi sửa chữa nhà cửa; mở tiệm làm tóc, chăm sóc sắc đẹp và dạy nghề cho 5 lao động địa phương. Hiện, tại kinh tế gia đình rất ổn định” - Thươn chia sẻ.

Sau khi tham khảo các gian hàng, nghe chia sẻ từ những người đi trước, em Nguyễn Phương Bình An (lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trung Trực) cho biết: “Nhờ buổi tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm hôm nay mà em tiếp cận được nhiều thông tin về thị trường việc làm trong nước và ngoài nước, nhất là thị trường lao động Nhật Bản. Dự định sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ sang đó làm việc, thực hiện ước mơ của mình trong tương lai”.

 

 

Doanh nghiệp, cơ sở giáo dục tư vấn cho người lao động, học sinh, sinh viên

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm nhằm tăng cường kết nối thông tin, phối hợp giữa DN tuyển dụng, đơn vị dịch vụ việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động tuyển dụng, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho NLĐ. Từ đó, mở ra cơ hội nghề nghiệp và việc làm thu nhập cao, ổn định, bền vững. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề nghiệp cho NLĐ trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm của huyện Tri Tôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, huyện mở được 9 lớp dạy nghề cho 270 lao động nông thôn; 33 người tham gia xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. “NLĐ có thể vào website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hoặc đến văn phòng đại diện (đường Nam Kỳ Khởi nghĩa, khóm 6, thị trấn Tri Tôn) để tham khảo, đăng ký tìm kiếm việc làm” - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn Lộ Thị Ngọc Hằng thông tin.

 
THEO MINH ĐỨC (BÁO AN GIANG)