Nhiều kệ sắt bên trên xếp la liệt những chiếc hộp nhựa nuôi cấy đông trùng hạ thảo đang được anh Nghĩa (31 tuổi, cử nhân Luật học Đại học Luật TP.HCM) kiểm tra chi tiết là hình ảnh mà phóng viên bắt gặp khi đến nhà xưởng của chàng trai 9X này tại Đà Lạt.
Điều mà phóng viên bất ngờ là chỉ trong khuôn viên xưởng có diện tích nhỏ nhưng đang nuôi trồng hàng ngàn hộp đông trùng hạ thảo có giá trị kinh tế rất cao và ổn định.
Dẫn phóng viên tham quan nhà xưởng và các phòng chuyên môn, anh Nghĩa chia sẻ: "Năm 2019, thời điểm dịch Covid-19, tôi có làm việc tại một công ty, nhưng do khó khăn nên đã nghỉ việc. Vợ tôi thì lại chuyên về ngành công nghệ sinh học. Hai vợ chồng có ý định làm đông trùng hạ thảo thì có một ông bạn thân cũng muốn đầu tư cùng. Mình có công thức, người ta có vốn nên hai bên đã gộp lại làm chung.
Chính vì vậy, cuối năm 2019, nhà xưởng cùng những giá thể nuôi cấy đông trùng hạ thảo đầu tiên đã được thí nghiệm. Năm 2020 thì chúng tôi chính thức có sản phẩm đồng trùng hạ thảo đầu tiên".
Những sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên được anh Nghĩa cùng cộng sự cho ra đời vào cuối năm 2019. Ảnh: Văn Long.
Anh Nghĩa cũng cho biết, ai làm việc gì cũng có lúc ban đầu, khó khăn, bỡ ngỡ, vợ chồng anh cũng không phải ngoại lệ. Lần sản xuất đông trùng hạ thảo đại trà đầu tiên, anh Nghĩa đã bị thiệt hại đến gần 50%, phải đổ bỏ do không đạt chất lượng và hư hỏng. Đến nay, tỷ lệ hao hụt khi nuôi cấy đông trùng hạ thảo của anh Nghĩa chỉ còn khoảng 10%.
"Ban đầu, chúng tôi đầu tư chỉ khoảng 70m2 nhà xưởng cùng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu hết hơn 1 tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất thời điểm đó là thị trường, vừa kén người dùng lại đúng vào lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhưng đến nay, chúng tôi đã cố gắng duy trì và đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên cả nước", anh Nghĩa thổ lộ.
Việc tìm kiếm thị trường cho những sản phẩm đông trùng hạ thảo đầu tiên của anh Nghĩa gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Long.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nghĩa tiết lộ nguyên liệu để sản xuất giá thể cho đông trùng hạ thảo phát triển gồm: Gạo lứt, đậu, giá, khoai tây, nước dừa, sử dụng nước Vĩnh Hảo. Những nguyên liệu trên sẽ được pha trộn 1 tỷ lệ thích hợp trước khi hấp khử khuẩn. Sau đó, giá thể sẽ được cấy bào tử nấm trước khi đưa đi ủ trong phòng tối khoảng 10 ngày. Cuối cùng, giá thể chứa bào tử nấm đông trùng hạ thảo sẽ được đưa vào phòng sáng nuôi đến khi thu hoạch. Trung bình, chu kỳ trên sẽ kéo dài khoảng 75 ngày. Trước khi đóng gói, sợi đông trùng hạ thảo sẽ được đưa vào lò sấy thăng hoa ở nhiệt độ -50 độ C liên tục từ 35-40 tiếng đồng hồ.
Những chiếc chai có thể tích 500ml được anh Nghĩa nuôi cấy đông trùng hạ thảo vào cho những khách hàng có nhu cầu ngâm rượu. Ảnh: Văn Long.
Hằng ngày, anh Nghĩa cùng các nhân viên thường xuyên theo dõi để nhiệt độ trong phòng sáng đạt ở mức dưới 21 độ C, ánh sáng được cung cấp 12 tiếng mỗi ngày. Độ ẩm cũng được duy trì ở mức 75-85%. Vì vậy, anh Nghĩa phải lắp đặt máy lạnh và máy tạo ẩm bên trong nhà xưởng để đông trùng hạ thảo phát triển tốt nhất.
Các quy trình cấy bào tử nấm, nuôi cấy cho đến khi thu hoạch đông trùng hạ thảo đều được anh Nghĩa thực hiện nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Ảnh: Văn Long.
Hiện tại, anh Nghĩa đang cung cấp ra thị trường 2 loại sản phẩm là đông trùng hạ thảo tươi và sấy thăng hoa. Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa sẽ gồm 3 loại thường, cao cấp và con nhộng. Trong đó, loại thường và cao cấp sẽ có giá dao động từ 18 đến 30 triệu đồng/kg. Đặc biệt, đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên giá thể là nhộng tằm có giá trị đến 100 triệu đồng/kg. Trung bình, mỗi tháng anh Nghĩa cung cấp cho thị trường từ 60-70kg đông trùng hạ thảo khô các loại.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo cấy trên giá thể nhộng tằm có giá đến 100 triệu đồng/kg. Ảnh: Văn Long.
Đến nay, anh Nghĩa đã thành lập công ty và đang hướng đến xuất khẩu đông trùng hạ thảo ra nước ngoài. Theo anh Nghĩa, hiện nay có nhiều loại đông trùng hạ thảo trên thị trường nhưng hàm lượng dược tính không đảm bảo. Chính vì vậy, hàng năm công ty của anh phải đưa mẫu đi test hàm lượng hai chất quan trọng nhất của đông trùng hạ thảo là Adenosine và Cordycepin. Ngoài ra, đông trùng hạ thảo thành phẩm cũng phải đảm bảo chất lượng với khoảng 17 loại axit amin khác nhau.